Sở Xây dựng TP.HCM sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính
Sở Xây dựng TP.HCM đang tiếp nhận giải quyết 22 thủ tục hành chính công trực tuyến toàn trình và một phần. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở đã giải quyết hơn 12.400 hồ sơ ở các lĩnh vực…
Chiều 4/10, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở. Giải thích về thủ tục toàn trình và một phần, đại diện Sở Xây dựng cho biết: “toàn trình” là các thao tác thủ tục đã được tích hợp trên cổng dịch vụ trực tuyến, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện trực tuyến không cần đến Sở Xây dựng. Còn các thủ tục “một phần” là chưa tích hợp đủ các bước thao tác trên cổng.
17 THỦ TỤC CÓ THỂ “LÀM TẠI NHÀ”
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cơ quan này sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính, gồm 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và 5 thủ tục hành chính trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thành phố, tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/
Trong đó, 17 thủ tục toàn trình sẽ được thực hiện cho các lĩnh vực: vật liệu xây dựng; hoạt động xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; 5 thủ tục một phần thuộc các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; nhà ở và công sở.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định mục tiêu của việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo sự thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.
Sở Xây dựng cũng thông báo và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trong thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của đơn vị. Sở sẽ tiếp tục tiếp nhận những phản hồi, góp ý từ người dân để hoàn thiện hơn dịch vụ công trực tuyến này.
“Hiện nay, người dân và tổ chức có thể tham gia dịch vụ trên với nhiều nội dung, nhiều bước riêng lẻ, không nhất thiết phải có chữ ký số hay chứng thực điện tử. Ví dụ, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nếu chưa có chữ ký số, người dân có thể gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa”, ông Quân nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM, việc thực hiện làm thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến lâu nay đã được triển khai, tuy nhiên, người dân chưa làm nhiều.
“Người dân và các tổ chức ít tham gia hình thức này, do trước đây trên cổng chưa tích hợp một số bước nộp hồ sơ, nộp lệ phí (mới triển khai hồi tháng 8). Bên cạnh đó, khó nhất là chưa tích hợp thao tác chữ ký số và chứng thực”, ông Hải cho biết thêm.
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRỰC TUYẾN
Ông Lý Minh Tuân, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết thành phố phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ đạt 100% thủ tục hành chính được rà soát tái cấu trúc để tích hợp vào hệ thống hành chính công.
Do đó, để khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến, Sở đã phối hợp các cơ quan chính quyền địa phương cấp miễn phí chữ ký số cho người dân tại các trụ sở sở ban ngành cũng như các sự kiện hội họp của công chúng.
Trước đó, vào tháng 6/2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số Quốc gia tổ chức hội nghị triển khai chữ ký số trên địa bàn Thành phố. Tại đây, Sở cũng đã ký kết với Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam để tiến hành cấp chữ ký số miễn phí cho người dân.
Song song đó, tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM cũng cung cấp thông tin rõ hơn về các bước thực hiện thủ tục, nhất là vấn đề chứng thực.
Trong đó, để có bản chứng thực các loại giấy tờ hợp lệ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, người thực hiện không phải cứ chụp ảnh hay scan giấy tờ đăng tải lên là có thể thực hiện được.
Điều kiện để đăng ký chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là cá nhân, tổ chức phải có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc phải có hộp thư điện tử (email).
Sau đó, cá nhân, tổ chức đăng ký chứng thực bản sao điện tử từ bản chính bằng 2 hình thức: Một là đặt lịch hẹn với cơ quan thực hiện chứng thực trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Hai là đến trực tiếp cơ quan thực hiện chứng thực (không hẹn trước).
Sở Tư pháp thành phố nhấn mạnh việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính không phải thủ tục trực tuyến, người dân phải mang đến các cơ quan công chứng có thẩm quyền để thực hiện. Sau đó, sẽ nhận được bản sao điện tử trong tài khoản dịch vụ công Quốc gia hoặc tài khoản email đã cung cấp.
Nếu bản sao công chứng bằng giấy, người dân đến nơi công chứng nhận rồi đăng tải bản sao đó lên cổng dịch vụ công hành chính. Nếu chưa có chữ ký số thì phải gửi văn bản chữ ký cũng như các giấy tờ gốc chưa được sao y điện tử đến cơ quan của Sở Xây dựng để lưu trữ điện tử.
Cũng theo Sở Tư pháp, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp Ủy ban nhân dân TP.HCM triển khai cho các Phòng Tư pháp cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đăng ký tài khoản của cơ quan nhà nước trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; chủ động trang bị máy scan, hạ tầng mạng, đăng ký chữ ký, con dấu của cơ quan, địa phương mình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng TPHCM đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ nộp qua cổng dịch vụ công (phần lớn theo hình thức một phần mà chưa đạt đủ các bước toàn trình, do người dân còn chưa thực hiện được nhiều thủ tục trực tuyến). Trong đó, Sở đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn là 809 hồ sơ.
Hiện Sở Xây dựng đang có 54 thủ tục được áp dụng quy trình giải quyết thủ tục hành chính đạt Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Mọi thắc mắc về thủ tục, người dân có thể gọi vào đường dây nóng của Sở Xây dựng để được hướng dẫn: 028.3932.0575