"Soi" báo cáo Chính phủ: Nói chủ động sao chờ mưa mới xả nước?
Đại biểu khen, chỉ có hơn một trang, nhưng Chính phủ đã nêu rất đầy đủ, bao quát về những hạn chế yếu kém
Trang hai báo cáo của Chính phủ nói "chủ động phòng chống thiên tai", tôi muốn "soi" cái này một chút - đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu tại tổ gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Bắc Giang, Nam Định.
Sáng 24/10, sau chưa đầy 24 tiếng nghe báo cáo của Thủ tướng về tình hình kinh tế - xã hội, các vị đại biểu Quốc hội bắt đầu thảo luận tại tổ về nội dung này.
Mâu thuẫn lớn
Kết quả nổi bật được nhiều ý kiến đề cập là tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ về đích 6,7%, sau nhiều năm trầy trật vẫn hụt kế hoạch.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) "chung vui với Chính phủ là từ 2008 đến nay mới đạt hết các chỉ tiêu sau nhiều năm qua".
Năm nay hoàn thành mục tiêu kép: vừa kiểm soát được lạm phát, lại kéo giảm được lãi suất. Bội chi cũng được kiểm soát, giảm được 4.000 tỷ đồng và giữ 3,5% GDP - ông Ngân nhìn nhận.
Cùng đoàn đại biểu Tp.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thận trọng: quý 4 còn ở phía trước, mà thiên tai vừa qua lại nặng nề. Vấn đề là tiền đề phát triển lâu dài chứ 6,7 hay 7% mà làm những năm sau trở ngại thì cũng không hay. Đại biểu Nghĩa bày tỏ sự đồng tình với báo cáo thẩm tra về quan điểm cho rằng tăng trưởng vừa qua ít dựa vào cơ cấu tăng trưởng. Mà chuyển đổi cơ cấu mới là chữa những căn bệnh thâm niên của nền kinh tế.
13 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt là kết quả phấn đấu chung, nhưng rất nổi bật là sự điều hành của Chính phủ và các bộ - đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) nhận xét.
Nhưng, cũng chính đại biểu Thực nêu ra một mâu thuẫn lớn là để đảm bảo các cân đối lớn thì cần đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Nhưng khi phát triển còn ở trình độ thấp thì điều này lại ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển bền vững, GDP xanh.
Nhìn vào tốc độ "rùa" của giải ngân vốn đầu tư công, ôn Thực phân tích: nếu để đảm bảo tăng trưởng mà tăng vốn nhưng giải ngân chậm thì rõ ràng nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
Vẫn liên quan đến giải ngân vốn ngân sách quá chậm, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Tp.HCM) phản ánh thực tế: nhiều dự án trọng điểm đang thiếu vốn, trong khi có dự án lại có tiền không tiêu được.
"Chính sách tài khoá thì nói phải điều hành linh hoạt, nhưng tôi chưa thấy. Mà đầu tư có độ trễ nên chậm vốn sẽ ảnh hưởng dài hạn, cho nên ngay trong những cái tưởng là được của 2017 cũng có những bất ổn nhất định tiềm ẩn rủi ro tác động tiêu cực trong dài hạn" - đại biểu Tuấn cảnh báo.
Cũng "soi" ở phần thành tích, đại biểu Hận nói Chính phủ nói đã chủ động phòng chống thiên tai, nhưng qua trận bão lũ vừa qua thì cần xem lại sự chủ động này. Vì có thể dự báo trước khoảng 10 ngày, tại sao lúc đó không cân đối để xả nước các hồ mà cứ chờ lúc trời đổ nước thì xả, đương nhiên ngập lụt xảy ra, cuốn trôi cả sinh mạng và tài sản của dân.
Biết trước rồi mà vẫn để xảy ra như thế thì cần xem lại xem chủ động thế nào? - đại biểu Hận nói.
Nêu rất đầy đủ
Theo đại biểu Đoàn Hồng Phong (Nam Định), dù chỉ có hơn một trang nhưng Chính phủ đã nêu rất đầy đủ, bao quát về những hạn chế yếu kém, dám nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại.
Những hạn chế, yếu kém này được đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) điểm lại.
Đó là chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình....
Dừng lại ở lừa đảo trong bán hàng đa cấp, đại biểu Hoa nhấn mạnh nạn nhân chính là những người dân, vậy ở đây quản lý xã hội thế nào mà để các công ty đa cấp mở hội nghị công khai để quảng cáo thông tin không có thật.
Nhấn thêm những biểu hiện suy thoái đạo đức, bà Hoa cho rằng những vấn đề văn hoá phải được đặt lên bàn Quốc hội một cách đầy đủ hơn chứ không chỉ thể hiện như trong báo cáo của Chính phủ.
Một số ý kiến khác quan tâm đến sự minh bạch về trách nhiệm trong điều hành. Bởi nếu Chính phủ không nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt, làm chưa tốt thì vẫn khó có thể có câu trà lời thoả đáng với rất nhiều vấn đề đang khiến cử tri bức xúc từ kỳ họp này sang kỳ họp khác.