Sớm khởi công đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang gần 1.700 tỷ đồng sau nhiều năm đợi vốn
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn qua hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng với gần 1.700 tỷ đồng...
Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn.
Theo phương án được duyệt, dự án có tổng chiều dài khoảng 29km. Địa điểm xây dựng dự án nằm trong địa phận huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn có điểm đầu tại Chợ Chu (tương ứng Km245+878 - điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu) thuộc địa phận thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại điểm giao với Quốc lộ 2C tại ngã ba Trung Sơn (tương ứng Km275+700) thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Tuyến đường được đầu tư quy mô đường cấp III miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 6m, vận tốc thiết kế 60km/h, có châm chước những vị trí khó khăn, đảm bảo phù hợp và đồng bộ với đoạn Chợ Mới - Chợ Chu đang khai thác.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn với tổng chiều dài khoảng 29km có tổng mức đầu tư là 1.665 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn có chiều dài khoảng 532m sẽ được đầu tư quy mô đường đô thị, bề rộng nền đường 14m, bề rộng mặt đường 10m.
Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án là 1.665 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 419 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 11 tỷ đồng; chi phí tư vấn hơn 45 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 66 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 107 tỷ đồng.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị thi công dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện đầu tư, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng công trình. Dự án phấn đấu khởi công cuối tháng 12/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.
Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 3.200 km, điểm đầu từ Pác Bó, tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.
Khởi công từ cuối năm 2016, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn, với tổng chiều dài trên 47km, được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng ATK Thái Nguyên với các tỉnh lân cận: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua.
Thế nhưng, đến cuối năm 2018, dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 đoạn Chợ Mới - Chợ Chu, do thiếu vốn nên giai đoạn 2 của dự án (đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn) vẫn chưa thể tiếp tục triển khai.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn phải được khởi công vào năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do trung ương chưa bố trí được nguồn vốn nên giai đoạn 2 của dự án đến nay vẫn chưa thể triển khai. Người dân các địa phương đang rất mong chờ giai đoạn 2 sớm hoàn thành để đường Hồ Chí Minh được thông toàn tuyến từ Chợ Mới đến thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) và huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Mãi đến ngày 05/5/2023, chủ trương đầu tư dự án đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 528/QÐ-BGTVT.
Việc đầu tư đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn sẽ góp phần nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường nhằm thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là hai tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Chiến khu ATK, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào...
Ngoài ra, tuyến đường còn đảm nhận vai trò trong việc kết nối liên vùng, liên khu vực ngoài việc kết nối thuận tiện giữa hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.