10:09 10/10/2007

Sóng chứng khoán đổ bến miền Trung

Giới đầu tư ở Đà Nẵng giờ đây đang chuyển hướng, tung vốn ào ạt vào thị trường chứng khoán

Mỗi khi có doanh nghiệp địa phương chuẩn bị lên sàn là thị trường miền Trung như nóng lên.
Mỗi khi có doanh nghiệp địa phương chuẩn bị lên sàn là thị trường miền Trung như nóng lên.
Thị trường chứng khoán với chỉ số VN-Index tăng xấp xỉ mức 1.100 điểm sau những ngày yên ắng, nhiều nhà đầu tư tại miền Trung thắng lớn với các cổ phiếu "nhà" - cổ phiếu của các doanh nghiệp có trụ sở tại địa phương.

Qua rồi thời kỳ đi đến đâu cũng nghe nói về quy hoạch đất đai, đầu tư bất động sản. Giới đầu tư ở Đà Nẵng giờ đây đang chuyển hướng, tung vốn ào ạt vào thị trường chứng khoán.

Thị trường tiềm năng

Được xem là thị trường "tỉnh lẻ" so với 2 trung tâm lớn Hà Nội và Tp.HCM nhưng đến nay Đà Nẵng cũng đã có 1 công ty chứng khoán và trên 10 đại lý nhận lệnh. Chỉ tính riêng trong tháng 9/2007, thị trường Đà Nẵng chứng kiến cảnh khai trương liên tiếp của 5 đại lý nhận lệnh như của công ty chứng khoán APEC, VNDirect - PVFC, SBS, SeaBank, Thăng Long,...

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Đà Nẵng, hiện có trên 2.000 nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại công ty. Sự khởi sắc thể hiện rõ ở số lượng người đến sàn tăng đột biến.

Có mặt trong phiên giao dịch vào sáng 9/10 tại công ty chứng khoán Đà Nẵng, gần 300 nhà đầu tư đứng ngồi chật cứng, mắt chăm chú vào các con số đang thay đổi trong phiên khớp lệnh liên tục. Gần 30% nhà đầu tư tại đây là "phái yếu".

Theo ông Lê Vinh Quang, Phó Tổng giám đốc công ty chứng khoán Đà Nẵng, số lượng nhà đầu tư đến sàn tăng lên khá nhanh khiến nguy cơ quá tải. Dự kiến công ty sẽ bố trí lại khu vực làm việc để nới rộng sàn. Chúng tôi gặp nhiều gương mặt khá quen thuộc trong làng kinh doanh bất động sản "bự" tại Đà Nẵng cũng đang có mặt tại đây.

"Đại gia" TMH được trong giới đánh giá là "chơi bạo" đã cho biết: "Đến sàn để theo dõi và đặt lệnh ngay, ở nhà xem qua màn hình trực tuyến cũng được nhưng nhiều lúc gọi điện đặt lệnh lại chậm chân. Ở trên sàn cũng có cái thú là quen biết nhiều và có nhiều thông tin".

Một trong những đại lý nhận lệnh có doanh thu cao nhất ở miền Trung, bình quân 200 lệnh mỗi ngày với khối lượng giao dịch trung bình khoảng 20 tỉ đồng là sàn Ngân hàng Á Châu.

Ông Châu Bảo Ân, nhân viên môi giới Công ty Chứng khoán Ngân hang Á Châu (ACBS) ở Đà Nẵng, cho biết, phần lớn các nhà đầu tư ở miền Trung dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư cổ phiếu. Vì thế họ ít bị áp lực, chỉ cần cổ phiếu lên vài giá là họ bán chứ không "găm". Các nhà đầu tư tại Đà Nẵng cũng mạnh tay đặt lệnh, chuyện đặt từ 3 - 4 tỉ đồng cho một loại cổ phiếu cũng diễn ra thường ngày.

Chuộng cổ phiếu "nhà"

Hiện tại miền Trung có 4 công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn Tp.HCM thì ba công ty ở Đà Nẵng: Công ty Caosu Đà Nẵng (DRC), Công ty Nhựa Đà Nẵng (DPC), Tổng công ty Xây dựng điện Việt Nam (VNE). Hiện tượng cổ phiếu của Công ty Khoáng sản Bình Định (BMC) tăng vù vù vừa qua đã tác động lớn đến nhà đầu tư tại khu vực.

Hạn chế lớn nhất của các nhà đầu tư tại miền Trung là thiếu thông tin về các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ở hai đầu đất nước. Nhiều người còn ví rằng, người chơi chứng khoán ở khu vực này giống như người sống giữa ốc đảo. Có lẽ vì thế, giới đầu tư miền Trung rất chuộng cổ phiếu của doanh nghiệp "nhà".

Mỗi khi có doanh nghiệp địa phương chuẩn bị lên sàn là thị trường miền Trung như nóng lên. Có thể người Đà Nẵng chỉ thích đầu tư vào những đơn vị mà họ được tận mắt "thấy mặt, biết tên".

Ông Trần M được mọi người đánh giá là "máu lửa" ở cả thị trường niêm yết lẫn OTC cho biết: "Mua cổ phiếu của các doanh nghiệp tại miền Trung cho chắc ăn. Thực ra, các cổ phiếu của doanh nghiệp ở địa phương khác tôi cũng có thông tin nhưng theo kiểu 5 ăn, 5 thua. Còn chơi cổ phiếu "nhà" thì khỏi phải lo vì tôi thường nắm chắc thông tin".

Theo Công ty Chứng khoán Đà Nẵng, từ nay đến cuối năm, thêm năm doanh nghiệp ở miền Trung sẽ lên sàn. Đồng thời ở Đà Nẵng có ba chi nhánh công ty chứng khoán và thêm vài đại lý nhận lệnh được mở ra. Hai đơn vị sắp lên sàn của Quảng Nam đang được các nhà đầu tư chú ý đến là Công ty Bêtông Hoà Cầm (vốn điều lệ trên 16 tỉ đồng), Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (12,95 tỉ đồng)...

Chỉ trong 10 ngày trở lại đây, khi có thông tin Công ty Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam sẽ niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu OTC MINCO của đơn vị này được nhà đầu tư tại miền Trung săn lùng với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trên trang web sanotc.com khối lượng bán ra của loại cổ phiếu chỉ nhỏ giọt với giá cao ngất ngưởng.

Ông Lê Vinh Quang cho biết thêm: "Đây cũng là một cơ hội mới cho các nhà đầu tư miền Trung. Sau DRC rồi lại đến VNE thắng lớn, vì thế, những cổ phiếu mới lên sàn sẽ được các nhà đầu tư miền Trung nhanh tay gom hàng. Lợi thế sân "nhà" đang trong tầm tay".