S&P 500 giảm mạnh nhất 2 tháng vì tin xấu về kinh tế, thương mại
Cả ba chỉ số chính cùng mở đầu tháng giao dịch cuối cùng của năm 2019 bằng sắc đỏ
Chứng khoán Mỹ tụt khỏi đỉnh cao kỷ lục thiết lập vào tuần trước trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi dữ liệu yếu kém về ngành sản xuất và mối lo mới về thương mại khiến nhà đầu tư không muốn rót tiền mua cổ phiếu.
Theo tin từ Reuters, cả ba chỉ số chính cùng mở đầu tháng giao dịch cuối cùng của năm 2019 bằng sắc đỏ. Trở về từ kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài từ Lễ Tạ ơn, thị trường đón một loạt thông tin không mấy khả quan.
Báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy ngành sản xuất Mỹ trong tháng 11 giảm tháng thứ tư liên tục, làm dấy lên lo ngại rằng chuỗi thời gian tăng trưởng dài nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang đi đến hồi kết.
"Dữ liệu kém hơn dự báo về ngành sản xuất đã gây ảnh hưởng xấu đến phiên này", chiến lược gia Oliver Pursche thuộc Bruderman Asset Management ở New York phát biểu. "Xu hướng này có thể còn tiếp tục trong ngắn hạn".
"Vấn đề nằm ở chỗ liệu tiêu dùng có tiếp tục giữ cho nền kinh tế tăng trưởng hay không", ông Pursche nói thêm. "Cho tới thời điểm này, dữ liệu ban đầu về chi tiêu trong ngày Thứ Sáu đen là rất tốt. Đó là một con số lớn".
Doanh thu bán lẻ trong ngày giảm giá trực tuyến Cyber Monday ở Mỹ được dự báo đạt kỷ lục, sau khi doanh thu bán hàng trên mạng đã đạt 11,6 tỷ USD trong dịp lễ Tạ ơn và Black Friday.
Vào đầu ngày thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng ông sẽ tái áp thuế quan lên thép nhập khẩu từ Brazil và Argetina. Tuyên bố này đưa giá cổ phiếu của các hãng thép Mỹ tăng mạnh, như US Steel Corp tăng 4,2% và AK Steel Holding Corp tăng 4,7%.
Tuy nhiên, nhà đầu tư càng cảm thấy bất an hơn, bởi đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Mỹ với các đối tác thương mại chính sẽ tiếp tục là nhân tố phủ bóng lên thị trường tài chính và gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phố Wall đón nhận tin này sau loạt phiên lập kỷ lục liên tiếp gần đây. Tuần trước, thị trường thiết lập một đỉnh cao lịch sử mới nhờ hy vọng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ sớm được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày thứ Hai, một cố vấn cấp cao của ông Trump nói rằng vẫn có khả năng hai nước đạt thỏa thuận trước cuối năm nay.
"Thị trường không chỉ lo về thuế thép mà ông Trump vừa công bố, mà còn lo việc ông ấy có thể áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12", chiến lược gia Pursche nhấn mạnh. "Về vấn đề thương mại, thị trường cần một chút tin tốt, không phải là quá nhiều. Chỉ cần một thông tin tốt rất nhỏ cũng đủ để thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,95%, còn 27.784,06 điểm. Chỉ số S&P500 mất 0,86%, còn 3.113,98 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,12%, còn 8.576,99 điểm.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 kể từ hom 8/10, hãng tin CNBC cho hay. Trong số 11 nhóm ngành chính của chỉ số, chỉ có nhóm tiêu dùng thiết yếu và năng lượng chốt phiên trong trạng thái tăng. Ngược lại, các nhóm bất động sản, công nghệ và công nghiệp giảm mạnh nhất.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,66 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,48 lần. Có tổng cộng 6,84 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, bằng với khối lượng bình quân của 20 ngày giao dịch gần nhất.