S&P 500 lập kỷ lục mới, dầu sụt giá mạnh sau tin từ Saudi Arabia
Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 6 liên tiếp vào ngày thứ Năm (4/11)...
Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 6 liên tiếp vào ngày thứ Năm (4/11), khi nhà đầu tư tin tưởng vào lập trường kiên nhẫn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về nâng lãi suất. Các dữ liệu kinh tế khả quan cũng kích thích tâm lý thị trường.
Giá dầu thô giảm mạnh sau một bản tin về sản lượng dầu của Saudi Arabia, cho dù liên minh OPEC+ giữ nguyên kế hoạch khai thác bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng mạnh hơn.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,4%, đạt kỷ lục mới 4.680,06 điểm.
Chỉ số Dow Jones giảm gần 0,1%, trượt khỏi ngưỡng kỷ lục thiết lập trong phiên trước, còn 36.124,23 điểm, do cổ phiếu hai nhà băng lớn là Goldman Sachs và JPMorgan Chase bị bán mạnh.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,8%, đạt kỷ lục mới 15.940,31 điểm.
Hôm thứ tư, Fed tuyên bố cắt giảm chương trình mua tài sản hàng tháng, phát tín hiệu nền kinh tế đã đủ khoẻ để tiếp tục phục hồi trong điều kiện Fed dần rút lại các biện pháp kích thích thời đại dịch Covid-19. Động thái này của Fed đã được thị trường dự báo từ lâu. Điều khiến nhà đầu tư hài lòng là Fed cam kết sẽ không vội vã trong vấn đề tăng lãi suất và việc cắt giảm chương trình mua tài sản không phải là mở đường cho nâng lãi suất.
“Tuyên bố của Fed đã loại bỏ một mối lo nho nhỏ nhưng dai dẳng trên thị trường, bởi nhà đầu tư đã chờ đợi nhiều này trong suốt nhiều tháng qua. Tuyên bố đó cũng củng cố quan điểm rằng sự phục hồi kinh tế vẫn đang diễn ra, cho dù tốc độ tăng trưởng có yếu đi. Đó là một tín hiệu về sức mạnh kinh tế, tốt cho triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp và cho thị trường”, Chủ tịch George Ball của Sanders Morris Harris nói với hãng tin CNBC.
Tuần này, S&P 500 đã tăng 1,6%, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 24,6%.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 30/10 là 269.000, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và thấp hơn so với con số dự báo 275.000 mà giới phân tích đưa ra trước đó.
“Đây là một bằng chứng nữa về sự phục hồi kinh tế”, Giám đốc chiến lược Mike Loewengart của E-Trade Financial phát biểu. “Nhưng Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh rằng ông ấy muốn thị trường việc làm phục hồi hơn nữa, nên mọi sự chú ý sẽ hướng tới báo cáo việc làm toàn thể của tháng 10 công bố vào ngày mai. Dữ liệu đó sẽ là một căn cứ để dự báo Fed sẽ hành động ra sao trong thời gian tới”.
Báo cáo việc làm tháng 10 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu. Giới phân tích dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 450.000 công việc. Trong tháng 9, số công việc mới là 194.000, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 500.000.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,45 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, chốt ở 80,54 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,05 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 78,81 USD/thùng.
Dầu sụt giá sau khi kênh truyền hình quốc gia Al Arabiya TV của Saudi Arabia đưa một bản tin nói rằng sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ sớm vượt qua mức 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Trước đó, giá dầu tăng mạnh, với mức tăng hơn 2 USD/thùng mỗi loại dầu, sau khi OPEC+ quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp sản lượng của OPEC+, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng mạnh hơn nữa mà các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ đưa ra trước đó.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, giá dầu Brent và WTI đã giảm tổng cộng tương ứng 5% và 6%, theo hãng tin Reuters.
Bản tin của Saudi Arabia nói sản lượng dầu của nước này sẽ đạt 10 triệu thùng/ngày trong tháng 12. Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói lượng dầu tồn kho toàn cầu sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay và đầu năm tới do nhu cầu tiêu thụ chậm lại.