07:19 02/05/2018

S&P 500 tăng điểm nhờ tin tốt về thương mại

Bình Minh

Mặc dù vậy, những tín hiệu về sự đi lên của lạm phát đang là một mối bận tâm của Phố Wall

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 1/5 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 1/5 - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi một quan chức Chính phủ Mỹ đưa ra nhận định lạc quan về vấn đề thương mại với Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico có đánh giá tích cực về việc đàm phán lại Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).

Hãng tin Reuters cho biết, ông Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico, nói rằng nước này sẽ phản hồi đề xuất của Mỹ về các quy định đối với mặt hàng ôtô trong NAFTA vào tuần tới, và một thỏa thuận có thể sẽ được ký nếu các nhà đàm phán hai nước chứng tỏ được đủ sự sáng tạo và linh hoạt.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã thoát khỏi mức đáy của phiên giao dịch sau khi đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói rằng ông không mong muốn thay đổi hệ thống thương mại của Trung Quốc mà chỉ muốn hạn chế thiệt hại mà các chính sách của Bắc Kinh có thể gây ra đối với Mỹ và muốn khuyến khích cạnh tranh nước ngoài nhiều hơn.

Vào đầu phiên giao dịch, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vì nỗi lo lạm phát gia tăng.

"Đang có một mức độ lo sợ nhất định ngấm dần vào thị trường", ông Tim Ghriskey, chiến lược gia đầu tư trưởng thuộc Inverness Counsel ở New York, phát biểu. "Nhưng cũng có những cái nhìn lạc quan về thương mại".

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0,27%, còn 24.099,05 điểm. S&P 500 tăng 0,25%, còn 2.654,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,91%, còn 7.130,7 điểm.

Dù thị trường tăng điểm nhẹ, các nhà đầu tư cho biết họ vẫn lo ngại về cảnh báo chi phí gia tăng từ các công ty niêm yết. Vấn đề chi phí gia tăng nổi lên cho dù một loạt công ty đã báo cáo lợi nhuận quý 1/2018 khả quan vượt dự báo. Đến nay, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 ở Phố Wall đã đi được khoảng một nửa chặng đường, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt cao nhất 7 năm.

Thống kê do Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố ngày 1/5 cho thấy chi phí nguyên vật liệu cơ bản tăng khá mạnh, một phần do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan đối với thép và nhôm. Thống kê này cũng cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 4.

Ngoài ra, giá dầu hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2014.

"Những tín hiệu đáng ngại đang xuất hiện khắp nơi", ông Jim Awad, Giám đốc cấp cao thuộc Hartland & Co, nhận định. "Cuối cùng, lạm phát đã hiện hữu trên diện rộng".

Giá cả tăng làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất trong năm nay. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, FED được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất. Tuy vậy, thị trường dự báo FED sẽ có đợt nâng lãi suất tiếp theo vào tháng 6, sau đợt nâng vào tháng 3 vừa rồi.

Cổ phiếu Pfizer giảm 3,3%, trở thành cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones phiên này. Nhà sản xuất dược phẩm này báo doanh thu quý 1 không đạt dự kiến do nhu cầu yếu đi đối với các loại thuốc chính của hãng, khiến giới đầu tư thất vọng.

Sau khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch chính và chuyển sang giao dịch điện tử, Apple báo kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, giúp cổ phiếu hãng công nghệ này tăng hơn 4%.

Cổ phiếu Match Group Inc - công ty sở hữu ứng dụng hẹn hò Tinder, và cổ phiếu IAC/InterActiveCorp - công ty mẹ của Match Group đồng loạt giảm mạnh sau khi Facebook tuyên bố sẽ bổ sung thêm ứng dụng hẹn hò vào trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. Cổ phiếu Match sụt 22,1%, cổ phiếu IAC lao dốc 17,8%, trong khi cổ phiếu Facebook tăng 1,1%.

Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,1 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,43 lần.

Có tổng cộng 6,56 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall "sang tay" trong phiên này, so với mức bình quân 6,54 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.