10:42 06/05/2008

S&P hạ triển vọng định mức tín nhiệm của Việt Nam

Mai Phương

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) vừa hạ triển vọng định mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực”

Theo S&P, những rủi ro kinh tế vĩ mô và sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài của Việt Nam là những lý do chính dẫn tới sự tụt hạng này.
Theo S&P, những rủi ro kinh tế vĩ mô và sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài của Việt Nam là những lý do chính dẫn tới sự tụt hạng này.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) vừa hạ triển vọng định mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực”.

Theo S&P, những rủi ro kinh tế vĩ mô và sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài của Việt Nam là những lý do chính dẫn tới sự tụt hạng này.

Hiện S&P vẫn dành cho Việt Nam xếp hạng tín nhiệm nợ nước ngoài ở mức BB và nợ trong nước ở mức BB+, nhưng cảnh báo mức xếp hạng này có thể bị hạ thấp nếu tình hình không được cải thiện.

“Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển quá nóng và sẽ giảm tốc”, nhà phần tích Kim Eng Tan của S&P nhận xét. Theo chuyên gia này, khả năng Việt Nam bị tụt hạng trong định mức tín nhiệm của S&P trong 6 - 18 tháng tới là 1:3.

“Lạm phát, thâm hụt cán cân vãng lai và tăng trưởng các khoản vay là những yếu tố cho thấy, kinh tế Việt Nam đã rơi vào tình trạng bất ổn định ở mức độ nào đó”, ông Kim Eng Tan nói.

Lạm phát của Việt Nam trong tháng 4 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái đã lên tới con số 21,42%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đưa Việt Nam vào top những nước lạm phát mạnh nhất ở châu Á.

Thống kê cũng cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã lên tới 11,1 tỷ USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, do nhập khẩu tăng 71%.

Các nhà phân tích cho rằng, việc tụt hạng định mức tín nhiệm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Việt Nam, đặc biệt khi xét đến việc Việt Nam phụ thuộc vào dòng vốn từ bên ngoài.

“Việt Nam có mức thâm hụt thương mại và thâm hụt vãng lai lớn, đồng thời lại là một nước nhập khẩu vốn lớn”, chuyên gia phân tích về nợ chính phủ Irene Cheung của ngân hàng ABN AMRO nói.

Nhà phân tích này cho rằng, vào những thời điểm thuận lợi, Việt Nam dễ thu hút vốn nhờ tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 8% có lực hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Việt Nam đạt kỷ lục về vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối, dẫn tới nguồn cung USD quá lớn trong các ngân hàng.

Vốn FDI giải ngân năm ngoái đã tăng 16%, đạt mức 4,6 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng gấp đôi lượng vốn đầu tư vào đây lên mức 7,6 tỷ USD. Cùng với đó, lượng kiều hối tăng thêm 50%, lên mức 7 tỷ USD.

“Tuy nhiên, những dòng vốn này sẽ khó mà tiếp tục chảy vào Việt Nam do các ngân hàng đang áp dụng các biện pháp hút bớt tiền về. Đây sẽ là điều bất lợi cho một nước nhập khẩu vốn như Việt Nam”, bà Cheung nhận xét.

(Theo Reuters)