09:11 21/09/2021

Start-up Việt “lội ngược dòng”, gọi vốn triệu USD

Thu Hoàng

Trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất thì vẫn có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) huy động được cả hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư.

KiotViet – một start-up cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới đây công bố huy động vốn thành công lên tới 45 triệu USD.
KiotViet – một start-up cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới đây công bố huy động vốn thành công lên tới 45 triệu USD.

Đầu tháng 9 vừa qua, KiotViet – một start-up cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đã công bố huy động vốn thành công lên tới 45 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B. Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Công ty Đầu tư toàn cầu KKR với sự tham gia của nhiều bên như Jungle Ventures của Singapore, Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan và Công ty CVM.

Trong khi đó, BuyMed (đơn vị điều hành Thuocsi.vn), một start-up B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến, cũng thông tin về việc nhận được khoản đầu tư trị giá 9 triệu USD trong vòng Series A. Quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc Smilegate Investment dẫn đầu vòng gọi vốn này cùng với sự tham gia của B Capital Group và các nhà đầu tư hiện hữu như Cocoon Capital, Genesia Ventures, chương trình Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Nextrans.

CÁC LĨNH VỰC HÚT VỐN ĐẦU TƯ

KiotViet và BuyMed chỉ là hai trong số các start-up Việt đã gọi vốn thành công trong thời gian gần đây bất chấp đại dịch Covid-19. Xét theo các lĩnh vực, dòng vốn đổ vào các start-up Việt trong những tháng qua tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ giúp chuyển đổi số ở một số lĩnh vực cụ thể như giao nhận, bán lẻ, y tế và giáo dục trực tuyến. 

Ở mảng giao nhận, start-up giao hàng Loship công bố hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Series C trị giá 12 triệu USD, nâng giá trị công ty vượt hơn 100 triệu USD vào đầu tháng 8. Hay trong mảng giáo dục, khoản đầu tư “khủng” lên tới 100 triệu USD vào EQuest cũng làm xôn xao giới quan sát. 

 
Việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam là thuộc top đầu các nước Đông Nam Á với dân số trẻ, yêu thích công nghệ, và tinh thần học hỏi, áp dụng cái mới trong công việc và cuộc sống được đánh giá rất cao.
Ông Cao Trọng Kim Trí - Phó Tổng giám đốc, KiotViet. 

Theo ông Louis Casey, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ tăng trưởng của KKR Đông Nam Á, bất chấp các thách thức đến từ đại dịch, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính vẫn tin tưởng vào tương lai phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong dài hạn sau khi đại dịch qua đi.  “Việt Nam đã là một thị trường năng động cho KKR, nơi chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn vào các công ty hàng đầu của đất nước”, ông  Casey nói.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, ông Cao Trọng Kim Trí, Phó Tổng giám đốc KiotViet cho biết ngành bán lẻ chiếm hơn 60% GDP ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng các năm qua đều ở mức hai chữ số,  hiện đang có hơn 6 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Chủ cửa hàng kinh doanh ở Việt Nam có ý thức sử dụng công nghệ để quản trị, quản lý và tạo lợi thế cạnh tranh nên đó là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp bán hàng như KiotViet”, ông Trí nhận định.

Trong khi đó, không cần chờ khi đại dịch qua đi mà ngay tại thời điểm dịch bệnh, các start-up trong lĩnh vực y tế đã trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Theo dự báo của Fitch Solutions, chi tiêu cho y tế của Việt Nam vào năm 2022 sẽ đạt 23 tỷ USD với mức tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm khoảng 10,7% kể cả ảnh hưởng dịch bệnh. “Với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân cùng sự tăng lên của tầng lớp trung lưu và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu của thị trường trong lĩnh vực này luôn hiện hữu”, ông Nguyễn Hoàng - đồng sáng lập, CEO BuyMed nói.

DÙNG CHUYỂN ĐỔI SỐ GIẢI CÁC "BÀI TOÁN" LỚN 

Dù đại dịch tạo ra nhiều thách thức trong quá trình khảo sát cũng như làm “deal” (các thương vụ), các nhà đầu tư vẫn sẵn “mở hầu bao” với nhiều start-up, đặc biệt là những đội ngũ đang dùng chuyển đổi số để giải các “bài toán” trong dài hạn. 

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Quỹ đầu tư Do Ventures, cho rằng các công ty đang tận dụng Covid-19 như cơ hội “ngàn năm có một” về chuyển đổi số sẽ là những đơn vị nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn nhất từ các nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2021. 

Tham gia nhiều năm làm gia công cho các công ty phần mềm lớn trên thế giới, năm 2013, Ban lãnh đạo Công ty phần mềm Citigo bắt đầu ấp ủ khát vọng xây dựng một sản phẩm có chất lượng cao phục vụ các chủ cửa hàng nhỏ lẻ có thể quản lý dễ dàng, hiệu quả với chi phí thấp.  “Cùng với việc phân tích thị trường tại thời điểm đó, chúng tôi thấy cơ hội lớn cho một giải pháp công nghệ trong ngành bán lẻ. Kiotviet đã ra đời vào năm 2014 và hướng đến mục tiêu là phần mềm KiotViet sẽ được 100.000 chủ cửa hàng yêu thích sử dụng”, Phó Tổng giảm đốc KiotViet Cao Trọng Kim Trí nói thêm.

 
Không có sự khác biệt và chênh lệch quá nhiều giữa các nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Làm sao để cung có thể “catch up” (bắt kịp) với cầu luôn là bài toán lớn cần giải. 
Ông Nguyễn Hoàng, Đồng sáng lập, CEO BuyMed 

Sự chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được phản ánh qua sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế Internet, dự kiến đạt 14 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên ước tính 52 tỷ USD vào năm 2025, ông Casey dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain.  “Trong khi quá trình chuyển đổi này có thể dễ dàng hơn đối với các công ty có quy mô lớn, 40% của nền kinh tế Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp hiếm khi có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để bắt tay vào chuyển đổi số. Do đó, điều quan trọng là phải làm cho các giải pháp kỹ thuật số trở nên dễ tiếp cận hơn với các doanh nghiệp này”, ông Casey lý giải lý do KKR đầu tư vào KiotViet. Start-up này hiện cung cấp toàn bộ phần mềm giải pháp quản lý cho doanh nghiệp bao gồm các dịch vụ như POS (quản lý bán hàng), quản trị hàng tồn kho, CRM (quản lý khách hàng) và quản lý nhân viên cho hơn 110.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. 

Còn với ông Nguyễn Hoàng, CEO BuyMed - người từng làm việc tại nhiều quốc gia như Trung Quốc và Mỹ, tạo ra một hệ sinh thái toàn diện, như “cánh tay nối dài” của ngành y tế và giúp thúc đẩy quá trình số hóa trong lĩnh vực này là mục tiêu từ rất sớm của doanh nhân này cùng các nhà đồng sáng lập. “Không có sự khác biệt và chênh lệch quá nhiều giữa các nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Làm sao để cung có thể “catch up” (bắt kịp) với cầu luôn là bài toán lớn cần giải”, ông Hoàng chia sẻ. 

Theo ông Hoàng, điểm khác biệt của Thuocsi là nhìn nhận các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe xa hơn ngay từ ban đầu. “Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có sự liên kết lớn bởi nhiều thành tố nên rất khó bóc tách ra để giải quyết từng cái một”, ông Hoàng nói. Ví dụ, như bác sĩ cần phòng khám để làm việc, cần trình độ để kiểm tra cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân khám xong thì phải đi mua thuốc, cần bảo hiểm xã hội, rồi tái khám… “Vì vậy, chúng tôi đặt ra bài toán sẽ xây dựng một giải pháp toàn diện hơn và bao quát hơn”, ông Hoàng cho biết.

NHỮNG THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC 

Tuy nhiên, gọi được vốn lớn cũng đặt ra cho các start-up nhiều thách thức. Theo những người trong cuộc, một khi nhà đầu tư bỏ tiền vào dự án thì thứ họ mong muốn là có thể thu về lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc start-up buộc phải giữ được đà tăng trưởng của mình và để đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư. 

Chia sẻ về các thách thức mà start-up của mình gặp phải, CEO BuyMed cho rằng để cách tân và đổi mới sáng tạo là một điều không dễ. Thuocsi đang vận hành hai trung tâm phân phối tại TP.HCM và Hà Nội với khả năng cung ứng sản phẩm tới 63 tỉnh, thành. Nền tảng này cũng đang xử lý khoảng 30.000 đơn hàng mỗi tháng và đang tham gia cung ứng đến hơn 13.000 nhà thuốc tại Việt Nam. Gần đây, Thuocsi cũng mở một trung tâm giao hàng tại Đồng Nai để hỗ trợ xử lý thêm các đơn hàng thuộc các tỉnh thành phía Nam.

Trong tương lai, BuyMed kỳ vọng không chỉ dừng lại ở phân phối mà còn có thể xây dựng hệ sinh thái bằng cách mở ra thêm các dịch vụ khác cho nhà thuốc, phòng khám như tài chính vi mô, kết nối nhà thuốc với bác sĩ, đào tạo liên tục. 

Với KiotViet, ông Trí cho biết thách thức lớn nhất của đội ngũ là phải thật sự có được một sản phẩm có giá trị cao và chi phí hợp lý để có thể phục vụ được hàng triệu doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam. “Ngoài ra KiotViet cũng có tham vọng đi ra Đông Nam Á. Và việc một doanh nghiệp Việt Nam ra Đông Nam Á thành công chắc chắn sẽ có rất nhiều bài toán cần giải quyết”, ông Trí chia sẻ.