15:18 01/09/2021

Sau Covid, start-up "ăn ít, sống dai" dễ được rót vốn

Nhĩ Anh

Trong bối cảnh khó khăn thách thức bởi dịch bệnh như hiện nay, liệu các tiêu chí lựa chọn start-up để đầu tư, rót vốn của các quỹ có thay đổi? Khi nào hoạt động gọi vốn nước ngoài ngoài vào start-up mới qua “mùa đông” và những mô hình start-up nào sẽ có cơ hội lọt tầm mắt của các nhà đầu tư?...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2020 giới khởi nghiệp chứng kiến nhiều thương vụ gọi vốn thành công. Nhưng 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp khởi nghiệp đối diện với nhiều thách thức khi dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh những doanh nghiệp chọn giải pháp “ngủ đông”, nhiều start-up có sản phẩm và dịch vụ phù hợp với xã hội thời giãn cách đã có những bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, giáo dục trực tuyến, dịch vụ phần mềm, nội dung số hoặc thanh toán không dùng tiền mặt…

START-UP NÀO CÓ CƠ HỘI ĐƯỢC RÓT VỐN?

Nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình tăng trưởng, phát triển của các start-up. Từ bức tranh đầu tư khởi nghiệp thời gian qua cho thấy, từ năm 2013-2014 hoạt động gọi vốn bắt đầu sôi nổi, các thương vụ diễn ra nhiều hơn. Đến cuối năm 2019, một số start-up đến giai đoạn không thể bứt phá, chững lại hoặc phải dừng cuộc chơi. Sang năm 2020-2021, là thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19.

 
Những start-up nào tập trung vào các giải pháp cốt lõi, khả thi trong mở rộng kinh doanh, thay đổi giá trị cho doanh nghiệp và cuộc sống sẽ vẫn có nhiều cơ hội tiềm năng nhận được các khoản đầu tư từ các quỹ.

Theo thống kê, số thương vụ gọi vốn trong năm 2020 giảm khoảng 17% so với năm trước. Quý 1/2021 Việt Nam ghi nhận số thương vụ gọi vốn thành công trong đó có một số thương vụ có giá trị lớn.

Tại tọa đàm về đầu tư vào khởi nghiệp thời đại dịch vừa diễn ra, ông Ôn Như Bình, Giám đốc kinh doanh chiến lược VNPay, đại diện từ Quỹ đầu tư Teko Ventures cho rằng, những start-up nào tập trung vào các giải pháp cốt lõi, khả thi trong mở rộng kinh doanh, thay đổi giá trị cho doanh nghiệp và cuộc sống sẽ vẫn có nhiều cơ hội tiềm năng nhận được các khoản đầu tư từ các quỹ trong thời gian tới. Ông Bình cho biết, đây cũng là mối quan tâm tìm kiếm của đơn vị.

Từ những dữ liệu quan sát thị trường qua hoạt động đầu tư vào các start-up công nghệ ở giai đoạn sớm, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam VIISA cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam muốn phát triển sẽ phải dựa vào nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Nếu không các start-up sẽ rất khó để trụ vững và phát triển.

Khi đại dịch Covid xảy ra, năm 2020, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng bị khủng hoảng, phòng thủ và cho biết tập trung đầu tư ở thị trường trong nước trước, chờ khi dịch bớt căng thẳng thì sẽ xem xét quay trở lại Việt Nam để đầu tư. Tuy nhiên, sang năm 2021, dịch bệnh lại nóng hơn và phức tạp ở Việt Nam đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư vào start-up.

Trong bối cảnh đó, có một số doanh nghiệp lại có cơ hội phát triển khi nhu cầu tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động online. Ngược lại, có nhiều doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khác lại bị ảnh hưởng nặng nề, chật vật để tồn tại. Ông Đức nhận định, dịch Covid vừa là thách thức vừa là cơ hội. Những doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng thì sau khi dịch bệnh qua đi sẽ có nhiều cơ hội thu hút nguồn đầu tư từ các quỹ.

TIÊU CHÍ "ĂN ÍT, SỐNG DAI..."

Câu hỏi đang được đặt ra, trong tương lai, liệu khi đại dịch qua đi, các tiêu chí đầu tư, hỗ trợ cho start-up có thay đổi không?

Từ góc độ quỹ đầu tư chủ yếu hướng đến các start-up ở giai đoạn sớm, còn nhiều khó khăn hơn, ông Đức khẳng định, các tiêu chí cơ bản, cốt lõi trong đầu tư vào start-up của quỹ không thay đổi. Đó là các sáng lập và đội ngũ có đủ mạnh để thực hiện các ý tưởng tốt, có giải quyết các vấn đề đặt ra của xã hội và thị trường có đủ lớn không? Không chỉ dựa vào ý tưởng mà các nhà đầu tư cũng quan tâm đến sản phảm, thị trường, khách hàng của các start-up...

 
Vấn đề dòng vốn không đáng lo ngại. Điều quan trọng là các start-up và sáng lập có bài toán hay, giải pháp giải quyết đủ tốt và có khả năng “chạy” nhanh không.

Tất nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, các quỹ quan tâm đến cách đánh giá, nhìn nhận của các nhà sáng lập về cơ hội thị trường sau đại dịch. “Các quỹ đầu tư chỉ là người đồng hành, còn người lái chính vẫn là các sáng lập”.

Một tiêu chí quan trọng cũng được các quỹ nhìn nhận đó là các team có thể chống chọi, “nín thở đủ lâu, ăn ít, sống dai” để vượt qua khó khăn ít nhất trong 12 tháng tới không?

Còn với ông Bình, ngoài các tiêu chí thông thường, quỹ định hướng xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp có khả năng đồng hành cùng phát triển, tạo giá trị, dịch vụ mới. Do đó, quỹ sẽ có những chiến lược riêng trong chọn lựa start-up để đầu tư.

Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh, làm việc từ xa, xảy ra các phát sinh mới, các quỹ cũng chú trọng tới tính thích nghi tốt, linh hoạt hơn trong triển khai kinh doanh, tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, sự liên kết gắn bó giữa các nhân viên... trong bối cảnh hiện nay, để cùng vượt qua khó khăn.

Bởi theo theo các chuyên gia, khi vượt qua được khó khăn, trong tương lai, với nguồn lực hỗ trợ của các nhà đầu tư, các start-up sẽ có khả năng phát triển cao. Đây sẽ là những đơn vị tiên phong vực dậy sau đại dịch.

Ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch RIKKEISOFT đánh giá, khi đại dịch qua đi sẽ là một cơ hội tốt cho tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể phát triển bứt phát với bước nhảy lớn. Theo ông, ngay cả trong đại dịch vẫn có những cơ hội cho những start-up phát triển lớn mạnh hơn, thậm chí có thể "mơ" đến những kỳ lân công nghệ trong tương lai.

Hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á đang có 15 start-up kỳ lân trong đó Việt Nam đã góp 2 gương mặt. Ông Đức cho rằng, khoảng 60% số này đều có hoạt động đa quốc gia. Do đó, các start-up Việt Nam muốn nhắm đến mục tiêu định giá cao thì phải có tầm nhìn mở rộng thị trường khu vực.

Vị Chủ tịch RIKKEISOFT thì nhìn nhận, dù Việt Nam mới chỉ có 2 kỳ lân nhưng trong tương lai gần, con số này có thể thay đổi, ít nhất là trong ngành công nghệ thông tin.