Startup ứng dụng tin nhắn văn phòng được định giá hơn 5 tỷ USD
Ứng dụng Slack chuyên cung cấp dịch vụ tin nhắn, chủ yếu được dùng trong giới văn phòng để giúp các nhân viên tương tác với các nhóm
Dịch vụ tin nhắn văn phòng Slack mới đây cho biết huy động
thêm được 250 triệu USD, nâng giá trị lên 5,1 tỷ USD, tăng từ mức 3,8 tỷ USD hồi
tháng 4 năm ngoái, hãng tin Bloomberg cho biết.
Nhà đầu tư của Slack trong vòng gọi vốn này là hãng viễn
thông Nhật Bản SoftBank, cùng một số công ty khác, trong đó có hãng đầu tư mạo
hiểm của Mỹ Accel.
Slack chuyên cung cấp dịch vụ tin nhắn, chủ yếu được dùng
trong giới văn phòng để giúp các nhân viên tương tác với các nhóm mà không cần
phải dùng cả chuỗi email dài.
Ra đời năm 2014, startup này do Stewart Butterfield, đồng
sáng lập và cũng là giám đốc điều hành (CEO). Butterfield trước đó là nhà đồng sáng lập nền tảng
chia sẻ hình ảnh Flickr.
Cộng với khoản đầu tư mới nhất, Slack đã huy động được 841
triệu USD từ các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, công ty này chưa dùng nhiều số
tiền này mà muốn giữ vốn để dùng cho các kế hoạch dài hạn.
“Chúng tôi không huy động vốn để tiêu nó”, Slack cho biết. “Tiền
đầu tư sẽ được dùng để đảm bảo sự linh hoạt về vốn và nguồn lực để vận hành
công ty trong dài hạn mà không phải phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài”.
Khoản tiền 250 triệu USD đầu tư vào Slack lần này được lấy từ
quỹ đầu tư Vision Fund trị giá 100 tỷ USD của SoftBank - một trong những hãng
viễn thông lớn nhất tại Nhật Bản. Quỹ này đã đầu tư nhiều vào các startup công
nghệ trên khắp thế giới.
Butterfield cũng cho biết SoftBank đã muốn đầu tư nhiều hơn và
có thể sẽ vẫn là nhà đầu tư của Slack khi công ty này thực hiện niêm yết cổ phiếu
lần đầu (IPO) vào năm 2018.
“Thế giới giờ đây đã khác rồi. Nếu là 10 năm trước thì giờ chúng tôi đã niêm yết cổ phiếu rồi”, Butterfield chia sẻ với tờ Financial Times.
Theo Ngân hàng Thế giới và Liên đoàn Sàn chứng khoán Thế giới,
số lượng các công ty Mỹ niêm yết có xu hướng giảm, từ hơn 8.000 vào năm 1996 xuống
còn 4.331 trong năm 2016. Hiện nay, các startup đình đám như Uber, Lyft hay
WeWork cũng chưa niêm yết cổ phiếu nhưng đã huy động được nhiều tỷ USD, nâng
giá trị lên hàng chục tỷ USD.
Đối với các startup công nghệ còn non trẻ, việc nhận đầu tư từ các quỹ mạo hiểm tư nhân giúp họ không cần phải kiểm tra quá nhiều và cũng không phải chịu gánh nặng liên quan tới các quy định của sàn giao dịch chứng khoán.