Stress thì đi ngắm… tép
Chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm, nhưng ít ai ngờ rằng mỗi chú tép thủy sinh nhỏ xíu có giá lên tới hàng triệu đồng. Chủ nhân những con tép này thường đùa nhau là 1 con tép thương phẩm khoảng 1 - 1,2 cm nếu bán đi lại đủ tiền để ăn nhiều bữa tôm hùm!
Ban đầu, người chơi chỉ chú ý đến việc nuôi những chú tép có nhiều màu sắc rực rỡ cho bể cá cảnh thêm phần long lanh. Nhưng sau đó mới nhận ra tép cảnh còn có công dụng hữu ích là ăn rêu hại trong bể. Chính vì thế mà nhu cầu mua bán, trao đổi tép cảnh tăng nhanh chóng. Các cửa hàng, diễn đàn mạng dành cho những người muốn trao đổi, giao lưu về nuôi dưỡng, chăm sóc tép cảnh dần xuất hiện. Rồi cũng đến lúc, thay vì cá cảnh, người ta sẽ tạo nên một bể thủy sinh nhỏ xíu chứa toàn… tép.
Đại gia mới dám… chơiTép cảnh có khá nhiều loại với các tên gọi khác nhau như cherry đỏ, ong, cọp, kinh kong, mũi đỏ, chấm trắng, xanh lá, bí vàng… Trong đó, loại được nuôi phổ biến và giá cả vừa túi tiền nhất là loại Cherry đỏ khoảng 80.000 đồng – 100.000 đồng/con. Đắt hơn là tép ong, trên thân của chúng được chia thành từng khoang trắng, đỏ/đen rõ rệt, trông rất bắt mắt, khi mới xuất hiện vài năm trước, loài này được định giá gần 100 USD/con. Tuy nhiên, do tép ong sinh sản khá tốt nên hiện chỉ khoảng 120.000 đồng – 250.000 đồng/con tùy hạng và xuất xứ.
Còn những loại tép thủy sinh thuộc hàng "VIP" như tép kinh kong, tép cọp thì có "mê" tép cảnh đến mấy, nhiều người cũng phải lắc đầu lè lưỡi bởi giá của nó được tính bằng hàng nghìn USD, phải dân "đại gia" mới dám chơi. Hơn nữa, chơi tép cảnh phải theo đàn từ vài chục đến vài trăm con trong bể chứ chẳng ai chơi lèo tèo vài con bao giờ bởi loại sinh vật này rất nhỏ.Theo dân chơi tép cảnh, phần lớn tép trên thị trường có nguồn từ nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…), sau đó được người nuôi cho sinh sản rồi cung cấp ra thị trường. Trong đó, những con có giá rất cao đều là hàng "xách tay" do thủ tục nhập khẩu chính ngạch quá phức tạp. ở chiều xuất khẩu, tép cảnh chưa đi riêng mà xuất kèm theo lô cá cảnh như một thành phần phụ làm đẹp cho bể thủy sinh. Hiện nay, tép cảnh phần lớn giao dịch qua mạng trong cộng đồng những người yêu thủy sinh chứ chưa được bán đại trà như cá cảnh. Khảo sát sơ bộ khu vực nổi tiếng kinh doanh cá cảnh tại TP HCM như đường Nguyễn Thông (quận 3), Võ Thị Sáu (quận 3), Lưu Xuân Tín (quận 5)…, tép cảnh hầu như vắng bóng.
Hiện tại tép cảnh được chia làm 2 dòng chính. Một là nuôi môi trường bình thường, loại còn lại phải nuôi ở môi trường lạnh, nước phải luôn ở mức 22 đến 26 độ C. Tép cảnh loại sống ở nhiệt độ lạnh hiện tại có rất nhiều dòng, các chuyên gia, trại tép ở nước ngoài đã lai tạo và thuần ra nhiều loại cao cấp với vẻ đẹp khác biệt. ở TP Hồ Chí Minh đã sớm hình thành một câu lạc bộ những người chơi tép cảnh với mấy chục hội viên là dân văn phòng, nghệ sĩ, sinh viên, doanh nhân... Họ lập diễn đàn trao đổi với nhau về kinh nghiệm nuôi tép, trao đổi giống tép mới, rồi tâm sự đủ thứ chuyện trên đời. Trong khi thiên hạ kháo nhau về những kỷ lục kiểu hoành tráng, lớn nhất, to nhất, đông nhất, dài nhất... thì các thành viên này lại say mê với những vẻ đẹp "vi mô" của những con tép chỉ lớn hơn hạt nếp.Tại những đô thị ngột ngạt khói bụi và kẹt xe, dường như ai cũng khao khát được mang một góc thiên nhiên vào nhà. Không chỉ giới hạn trong một cái cây hay một dòng nước, bể thủy sinh cho phép tái tạo thiên nhiên vô giới hạn, và trong đó "cư dân" sống bên trong bể thủy sinh càng nhỏ, người xem sẽ thấy thiên nhiên càng "hùng vĩ". Đặc biệt với dân chơi bể nano, có kích thước siêu bé (chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, hay ly uống nước), không thể thả bất kỳ loại cá nào. Lúc đó tép cảnh là lựa chọn số 1.
Nâng niu từng "bé" tép hồngDân chơi tép kiểng thường chia làm hai loại. Thứ nhất là người chơi nhập môn, mới tập tành chơi và cố gắng giữ tép không bị chết. ở giai đoạn đầu khi làm quen với thú chơi này, nhiều người sẽ dễ thất vọng vì con tép mong manh sẽ có thể bị chết vì hàng trăm nguyên nhân, việc giữ cho tép sống đã là một việc vô cùng khó khăn, chưa nói đến nỗ lực giúp chúng sinh sản và giữ được tép con. Những người biết cách xử lý tốt sự cố của hồ cũng như của tép, đồng thời có thể lai tạo giống tốt thì được gọi là người chơi chuyên nghiệpVới nhiều người chơi tép cảnh, điều thú vị nhất của việc nuôi tép cảnh là độ khó. Vì vậy, nuôi cho tép sống được là đã thành công. Để tép sống, cần những điều kiện đặc biệt từ nhiệt độ nước, khoảng 22 - 24 độ C, nếu cao hơn phải chạy máy làm mát, thấp hơn phải dùng máy sưởi và hàng loạt thông số khác như khoáng chất, vi sinh, độ pH… Khi tép ôm trứng, người nuôi mừng lắm. Nếu may mắn nó nở ra dòng mới có giá trị còn có thể bán, thu hồi vốn và đầu tư nuôi những dòng mới khó hơn.
Tép cảnh là vật nuôi có giá trị lớn, kỹ thuật cao nên ngay cả những người nuôi có kinh nghiệm cũng bị tổn thất nặng nề. Anh Lưu Phước Bửu (quận 2, TP.HCM) cho biết, cách đây hơn một tháng, chỉ vì sơ ý, một đứa cháu mang thuốc xịt muỗi vào xịt bể tép của anh - có giá trị lên tới 100 triệu đồng. Vì phát hiện chậm nên anh không cứu được, cả đàn tép chết sạch. "Tép đặc biệt nhạy cảm với hóa chất diệt muỗi, gián... Với hóa chất được ngành y tế phun để xử lý môi trường thì tép nuôi trong phòng cũng phải che đậy và áp dụng các biện pháp chống độc!" - anh Bửu đúc kết.Ông Hoàng Tiến, chủ nhân cửa hàng Saigon Shrimps (đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM), tổng kết kinh nghiệm: "Với tép cảnh thì không thể vội vàng, phải kiên nhẫn, càng "rối ruột" thì nguy cơ mất trắng càng cao". Tép càng đắt tiền thì không chỉ đẹp mà còn khó nuôi hơn. Chúng nhạy cảm với thời tiết, thức ăn, môi trường nước và ánh sáng. Người chơi cần phải rất am tường về bệnh lý của chúng, theo dõi sát sao những biểu hiện bất thường để tránh việc chúng đổ bệnh. Khi tép mắc bệnh, cần phải có biện pháp xử lý ngay. Thậm chí các "chuyên gia" về tép cảnh sẽ phải vào cuộc lập tức để tránh cảnh cả đàn tép ngàn đô-la bỗng dưng nổi trắng bụng.
Đó là ở Sài Gòn, còn tại Hà Nội, anh Hữu Anh - một người đam mê tép thủy sinh tại quận Hoàn Kiếm cho biết: "Những con tép cảnh "VIP" chỉ xuất hiện ở trong Nam, còn tại Hà Nội, vài người mới chỉ chơi tép ong. Nuôi tép cảnh không phải đơn giản, nếu không cẩn thận chết hết như chơi, nhất là với thời tiết ngoài Bắc, nên ít người ở Hà Nội dám bỏ ra số tiền lớn như thế để chơi những con như tép kinh kong hay tép cọp".Anh Minh Quân, (Hàng Đậu, Hà Nội), người đang sở hữu hàng trăm con tép ong đỏ, ong đe, đã cho chúng tôi tham quan bể thủy sinh của mình. Bể tép ong của anh có một... máy lạnh đặt ở dưới, có hệ thống nối lên bể để đảm bảo nhiệt độ nước lúc nào cũng ở mức 23 - 26 độ. ở một góc đáy bể, anh bố trí 4 - 5 "cục đá" bằng nắm tay. Đó là xỉ tro núi lửa, dùng bổ sung nguồn canxi cho tép khi chúng lột vỏ. ở nền đáy bể phải dùng phân đất của Nhật để giữ ổn định độ pH ở mức 6.5. Còn thức ăn, nuôi tép ong phải dùng loại nhập từ Thái Lan có giá 8 USD/hộp (nhỏ bằng cái hộp quẹt), thỉnh thoảng phải bổ sung khoáng chất cho tép bằng thức ăn là... cải bó xôi luộc.
Chuyện ở của tép ong cũng khá công phu. Phải đặt những hốc đá lãng mạn cho chúng tình tự, và nước phải là nước khoáng LaVie. "Tép ăn dơ nhưng lại ở rất sạch," anh Quân cười. "Muốn nuôi một bể hơn chục con tép ong khởi điểm, thì cũng phải đầu tư một bể tép cỡ 5 - 7 triệu đồng cho phần trang bị như: dàn lạnh (2 triệu), bộ lọc và các chất lọc nước (3 triệu) rồi phân, đá, cây, dung dịch giúp tép lên màu..."
Ngắm và thiềnNếu như người nuôi cá rồng, loài cá cảnh nghìn đô còn có lý do về mặt phong thủy tốt cho gia đình, làm ăn, buôn bán thì tép thủy sinh lại không có ý nghĩa về mặt này. Người chơi tép đơn giản chỉ vì… thích. "Mình có sở thích nuôi cá cảnh từ bé, ở nhà đã có sẵn một bể cá nhưng đến khi nhìn thấy loài tép này thì như bị thôi miên, nhìn cái thích ngay và muốn nuôi bằng được. Chỉ người nào thích mới thấy được cái cảm giác thích thú khi chăm sóc và ngắm chúng bơi lội trong bể. Còn khi chúng "mang bầu" thì thực sự chủ nhân là người bận rộn, lo lắng đến mất ăn mất ngủ," anh Minh Quân cười nói.Hiện nay có 3 kiểu chơi tép cảnh: nuôi để thỏa đam mê, thể hiện đẳng cấp và để đầu tư. Chinh phục cái khó là cái thú đầu tiên khi chơi môn này, thứ hai là vẻ đẹp của chúng với nhiều màu sắc khác nhau. Còn điều thứ ba là thú lai tạo tép kiểng. Đối với loại tép ong, bạn có thể lai tạo ra những con tép mới với vẻ đẹp khác đặc biệt. Như khi lai một con tép khoang trắng đỏ và đen đỏ thì tép con có thể ra vừa trắng vừa đỏ… Tại Nhật Bản, Đức, hay Đài Loan…. – những nước tiên phong trong thú chơi này, đã tạo ra những chú tép tuyệt đẹp với nhiều hình dáng, màu sắc vô cùng đặc biệt. Những chú tép mới được lai tạo chưa thuần có giá rất cao, sau vài năm nhiều người thuần dưỡng, cho tép sinh sản nhiều thì giá sẽ giảm theo.Ông Hoàng Tiến cho biết, hiện Đài Loan có con tép "khủng" giá quy đổi ra tiền Việt khoảng 84 triệu đồng. Còn tại Việt Nam, giá cao nhất hiện là 42 triệu đồng, dòng Taiwan galaxy, nhập từ trại tép YuCrs nổi tiếng của Đài Loan. Đã thế, không phải đơn giản để bạn mua được những con tép giá mấy chục triệu đồng. Thông thường, người mua đặt cọc trước 50%, người bán sẽ nhập hàng về và dưỡng tép 15 - 45 ngày cho khỏe, rồi mới bàn giao kỹ thuật cho người nuôi và nhận luôn số tiền còn lại. Trong thời gian dưỡng, nếu tép chết thì người bán phải đền tiền, từ đó người mua cũng yên tâm khi sở hữu tép quý.
Với anh Hữu Anh thì chơi tép cảnh như một cách thiền. Ngắm tép, chăm tép là khoảng thời gian người chơi cảm thấy thư giãn sau ngày dài vất vả. Việc chăm tép cũng tập cho người chơi tính kiên nhẫn, từ tốn. Sự nóng vội, mất bình tĩnh khó kiểm soát được việc chăm sóc hồ và giữ tép. Vì khi tép mới chết một, hai con, người chơi mất kiên nhẫn sẽ xử lý bằng nhiều cách khác nhau, không có sự cân nhắc nên có thể dẫn đến tình trạng hồ nuôi tan nát, tép chết hàng loạt."Ngắm bể tép có thể ngắm mãi không chán. Vẻ đẹp của chúng, sự thách thức chinh phục của chúng, và hạnh phúc của chúng ở thế giới bể thủy sinh… dường như lây lan sang con người," anh Lưu Phước Bửu tâm sự. "Ngắm kỹ sẽ thấy, mỗi con ăn một kiểu. Tép Hennessy thì lăng xăng như con nít, tép Red cherry thì từ tốn nhấm nháp, còn tép ong thì tha mồi ra chỗ vắng nhâm nhi rỉ rả… Chưa kể, tép có nhiều động tác hơn cá. Nó không chỉ biết bơi mà còn có thể bò, đậu trên những nhành cây, cọng rêu, tranh ăn với nhau… Thú vị vô cùng!"Và thế là, trên diễn đàn của những người nuôi tép cảnh, thi thoảng ta sẽ thấy những đoạn tản văn lãng mạn như thế này: Chiều muộn, nắng nhàn nhạt chiếu vào gần bể. Lũ tép con đang chui ra chui vô những ngõ ngách trong hốc đá, len lỏi trong những đám rong, nép mình bên thân cây dương xỉ và... soi gương qua vách kính. Dùng chiếc kẹp gắp từng viên thức ăn nhỏ xíu thả nhẹ vào bể, một tốp 3 - 4 chú tép bu lại rỉ rả rỉa mồi, cái đuôi ngúc ngoắc, cái đầu lắc lư ra chiều thích thú. Bấy nhiêu đó là mệt mỏi tan biến…
Không biết thú chơi tép cảnh sẽ kéo dài được bao lâu. Chỉ biết hiện tại, những con tép cảnh đang đem lại cảm hứng thiên nhiên, sự hòa đồng của con người với vạn vật. Giữa thành phố đầy những cao ốc máy móc, sự ô nhiễm và cả lo toan vật giá leo thang, người ta tìm thấy sự hồn nhiên và vẻ đẹp huyền ảo bất ngờ của những sinh vật bé nhỏ ấy, như tìm thấy một nguồn năng lượng đến từ thế giới vô lo…