Sửa đổi bổ sung quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt
Bên đi vay cũng phải báo cáo ban kiểm soát đặc biệt khi phát sinh trường hợp tài sản bảo đảm không đủ điều kiện quy định, cũng như báo cáo số tiền thu hồi nợ trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh tiền thu hồi nợ...
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, Thông tư 13 đã bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan đến giá trị tài sản bảo đảm, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm. Cụ thể, đối với giấy tờ có giá, tỷ lệ bằng tỷ lệ tối thiểu giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền cho vay có bảo đảm cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo quy định trong từng thời kỳ. Đối với tài sản bảo đảm theo quy định, tỷ lệ bằng 120%.
Ngoài ra, Thông tư mới còn sửa sổi, bổ sung trường hợp có tài sản bảo đảm không đáp ứng đủ các điều kiện dẫn đến tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt thì bên đi vay phải hoàn thành việc thực hiện quy định để tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện không thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc đặc biệt.
Đáng chú ý, Thông tư 13 bổ sung trường hợp bên đi vay đã sử dụng hết tài sản bảo đảm quy định, bên đi vay có thể sử dụng tài sản khác làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ như: Thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng); Thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng).
Bên cạnh đó, Thông tư 13 đã bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 12 của Thông tư 08 quy định việc thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng). Đồng thời, thay thế Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-NHNN bằng Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.
Về hiệu lực thi hành, Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 28/10/2022. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, đối với khoản vay đặc biệt phát sinh từ ngày 27/10/2021 và còn số dư đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trên cơ sở áp dụng tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng được sử dụng tài sản bảo đảm đang thế chấp tại Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục vay đặc biệt, bảo đảm tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện không thấp hơn tổng số tiền vay đặc biệt.