10:15 30/08/2007

Sửa khung thuế xuất nhập khẩu

Duy Linh

Biểu khung thuế mới sẽ được sửa đổi để đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cam kết gia nhập WTO

Biểu khung thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành cần phải được sửa đổi để để đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Biểu khung thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành cần phải được sửa đổi để để đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 2978/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Biểu khung thuế xuất khẩu, Biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi.

Biểu khung thuế mới sẽ được sửa đổi để đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cam kết gia nhập WTO.

Theo Bộ Tài chính, Biểu khung thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng để đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta cần phải sửa đổi.

Hạ mức thuế suất trần và sàn phù hợp với cam kết

Trước hết vì theo cam kết gia nhập WTO, hầu hết các mức thuế của những mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đều thấp hơn mức trần của khung và nhiều mặt hàng có mức thuế suất cam kết thấp hơn mức sàn của khung. Do đó, để phù hợp với cam kết, chúng ta phải hạ các mức thuế suất trần và sàn của khung.

Thứ hai, từ năm 2008, Việt Nam phải thực hiện Danh mục Biểu thuế chung ASEAN mới (AHTN 2007) đã được các nước xây dựng trên Hệ thống mô tả và mã hàng hóa HS2007 của Tổ chức Hải quan thế giới, trong đó mô tả của nhiều nhóm mặt hàng đã được thay đổi so với Danh mục biểu thuế mà chúng ta đang áp dụng.

Ngoài ra, Biểu khung thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi mới cũng được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất trong nước có chọn lọc, có điều kiện và thời hạn; ổn định khung thuế suất đối với những nhóm mặt hàng đang được thực hiện có hiệu quả trên thực tế và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam chỉ cắt giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phế liệu kim loại. Vì vậy, việc điều hành thuế xuất khẩu chủ yếu là do yêu cầu quản lý Nhà nước chứ không phụ thuộc vào cam kết hội nhập.

Biểu khung thuế xuất khẩu mới được xây dựng nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu hạn chế xuất khẩu những sản phẩm thô, khuyến khích sử dụng nguyên liệu để tái chế và về cơ bản vẫn giữ nguyên khung thuế suất với hầu hết các nhóm hàng chịu thuế.

Khung thuế suất trần của một số nhóm hàng được điều chỉnh tăng lên là dầu mỏ (từ 0-8% lên 0-20%); than đá (từ 0-5% lên 0-20%); quặng kim loại (từ 0-3%; 0-5% và 5-20% lên thành 0-20%) nhằm định hướng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và tập trung cho sản xuất trong nước là chính.

Các mặt hàng được giảm thuế suất trần và sàn là nhóm hàng phế liệu sắt thép (từ 30-40% xuống 10-30%); phế liệu kim loại màu (từ 40-50% xuống còn 10-40%) để phù hợp với cam kết gia nhập WTO.

Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Trên cơ sở Biểu khung thuế nhập khẩu gồm 1.221 nhóm mặt hàng hiện hành, Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi với 10.680 dòng thuế chi tiết và theo cam kết WTO, Việt Nam ràng buộc với toàn bộ Biểu thuế này.

Hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm có thuế suất cam kết thấp hơn mức trần, chỉ một số mặt hàng có mức cam kết thấp hơn mức thuế sàn của khung thuế suất. Do đó, Biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi mới sẽ giảm mức thuế suất trần khung của 1.149 nhóm hàng (chiếm 94%) để phù hợp với cam kết WTO và những nhóm hàng mà mức khung thuế suất hiện hành đang cao hơn nhiều so với thực tế áp dụng.

Giảm mức thuế suất sàn khung của 202 nhóm hàng (chiếm khoảng 16,5% trong Biểu khung) để thực hiện cam kết gia nhập WTO và lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong điều kiện thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời góp phần giảm thuế đầu vào đối với những nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Mức sàn khung của 1.019 nhóm hàng khác vẫn được giữ nguyên.

Ông Hà Huy Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay các nước ASEAN đã xây dựng và thống nhất áp dụng Danh mục AHTN 2007 làm cơ sở để xây dựng Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Dự kiến Việt Nam sẽ áp dụng Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi mới từ ngày 1/1/2008.