Sức ép vẫn quá lớn, 114 cổ phiếu giảm sàn, VN-Index bốc hơi 4,19%
VN-Index đã tạo đáy mới trong phiên chiều mà không có nhịp phục hồi nào cả, chỉ số giảm gần 52 điểm lúc 2h23. Nhóm blue-chips giao dịch rất đuối và dòng tiền cũng không có tín hiệu mạnh lên. Kết phiên có tới 114 cổ phiếu giảm kịch sàn trên HoSE và tính chung 3 sàn khoảng 164 mã...
VN-Index đã tạo đáy mới trong phiên chiều mà không có nhịp phục hồi nào cả, chỉ số giảm gần 52 điểm lúc 2h23. Nhóm blue-chips giao dịch rất đuối và dòng tiền cũng không có tín hiệu mạnh lên. Kết phiên có tới 114 cổ phiếu giảm kịch sàn trên HoSE và tính chung 3 sàn khoảng 164 mã.
Trong bối cảnh bán tháo dữ dội, điều đáng quan tâm là dòng tiền vào bắt đáy như thế nào. Sau phiên sáng mua rất tích cực với thanh khoản tăng đột biến, sang phiên chiều dòng tiền lại có biểu hiện suy yếu. Lượng cổ phiếu bán giá thấp, thậm chí là giá sàn vẫn rất nhiều, nhưng thanh khoản hai sàn niêm yết lại giảm tới 36% so với phiên sáng, chỉ đạt 9.911 tỷ đồng khớp lệnh.
Khi dư bán rất nhiều mà thanh khoản nhỏ đồng nghĩa với lực mua hạn chế. Nếu bên mua sẵn sàng giải ngân, thanh khoản sẽ tăng lên bất kể giá có phục hồi được hay không. Chiều nay cả thanh khoản lẫn giá đều suy yếu, số mã giảm sàn tăng vọt tức là mua chính thức chào thua.
Giao dịch chiều nay tập trung mối quan tâm vào nhóm cổ phiếu trụ giảm sàn buổi sáng. Nếu các mã này được quét sàn, thị trường có thể phản ứng tích cực hơn. Tuy nhiên suốt buổi chiều dư bán vẫn rất dày. Duy nhất vài phút cuối đợt khớp lệnh liên tục có chút cầu vào ở VIC, đẩy giá nhích lên 5 bước giá so với đáy. Tuy nhiên đợt ATC lượng bán lớn lại được đẩy vào hệ thống, ép VIC quay lại giá sàn, dù còn dư mua sàn. VHM, VRE vẫn dư bán sàn khối lượng lớn.
Kết phiên, rổ VN30 lại có tới 6 mã giảm sàn, ngoài “bộ ba” nói trên có thêm SSI, GVR, PLX và MSN. VN30-Index đóng cửa giảm 4,34% so với tham chiếu, toàn bộ 30 mã đều đỏ, trong đó 27 mã giảm trên 3% giá trị. Nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index ngoài VIC và VHM vẫn nằm sàn, còn lại VCB giảm 1,52%, BID giảm 0,49%, GAS giảm 6,09%, VPB giảm 3,81%, VNM giảm 2,9%, CTG giảm 2,24%, HPG giảm 5,2%, FPT giảm 4,51%.
Tác động của nhóm vốn hóa lớn là rất rõ, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu sàn HoSE chiều nay vẫn thấp hơn buổi sáng, xác nhận áp lực bán đã tăng lên trong khi cầu lại giảm đi. Riêng số mã giảm sàn đã nhiều hơn hẳn buổi sáng, chưa kể gần 200 mã khác giảm quá 1%. Cả rổ VN30 chỉ có 7 mã cải thiện giá so với buổi sáng, nổi bật là CTG tăng 1,43%, thu hẹp mức giảm còn -2,24% so với tham chiếu lúc đóng cửa. BID cải thiện 1,38%, còn giảm 0,49%, HDB cải thiện 1,8% còn giảm 2,86%, MWG cải thiện 1,57% còn giảm 3,45%, VPB cải thiện 1% còn giảm 3,81%.
Dù lực mua khá mỏng trong phiên chiều và VN-Index vẫn bốc hơi 46,31 điểm, nhưng mức độ cải thiện giá so với ngưỡng thấp nhất ngày vẫn tích cực hơn chút ít. Buổi sáng có khoảng 34% số cổ phiếu phát sinh giao dịch đã “thoát đáy” với biên độ trên 1%. Đóng cửa, tỷ lệ này là 40,3%. Dĩ nhiên độ rộng vẫn còn tới 505 mã giảm và chỉ 24 mã tăng, thị trường vẫn rất bi đát hôm nay.
Với việc dòng tiền bắt đáy chững lại chiều nay, thị trường đang trong trạng thái sợ hãi cao độ. Nếu đủ tự tin, giá thấp nhất phiên này đã hấp dẫn hơn nhiều so với hôm qua, thậm chí là so với phiên sáng và nhà đầu tư phải bắt đáy nhiều hơn. Tuy nhiên giao dịch giảm cho thấy quyết định mua đã bị hoãn lại chờ đợi.
Mức giảm rất sâu phiên này đã thúc đẩy thanh khoản khớp lệnh HoSE và HNX hôm nay đạt tới gần 25.331 tỷ đồng. Nếu tính chung cả giao dịch thỏa thuận và 3 sàn, tổng giá trị đạt 27.484 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh hai sàn trên 1,3 tỷ cổ phiếu, cao nhất 5 tuần.
Điểm tích cực là đã có một lượng rất lớn cổ phiếu được trao tay và hôm nay là thanh khoản bùng nổ. Điểm tiêu cực là dòng tiền đã thay đổi trạng thái, chuyển sang do dự hơn vào buổi chiều với kỳ vọng giá sẽ còn thấp hơn nữa. Các phiên bán tháo tạo thanh khoản lớn như vậy dù làm tổn thương nặng nề danh mục, nhưng lại giúp thị trường nhanh đạt điểm cân bằng hơn.