07:09 08/04/2009

Sức nóng mùa cổ tức “nhấn chìm” Phố Wall

Duy Cường

Ngày 7/4, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trước lo ngại về khối ngân hàng và triển vọng kết quả kinh doanh

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh hôm thứ Ba, đưa các chỉ số có thêm phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp trong tuần - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh hôm thứ Ba, đưa các chỉ số có thêm phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp trong tuần - Ảnh: Reuters.
Ngày 7/4, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trước lo ngại về khối ngân hàng và triển vọng kết quả kinh doanh.

Hôm thứ Ba, tờ The Times của Anh loan tin về dự báo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về số nợ xấu mà các ngân hàng và công ty bảo hiểm đang nắm giữ.

Theo đó, IMF nhận định rằng các khoản nợ xấu của các ngân hàng, công ty bảo hiểm đang sở hữu có thể lên tới 4.000 tỷ USD. Trong tháng 1/2009, IMF dự báo các tài sản xấu của các công ty bảo hiểm, ngân hàng sẽ có thể lên 2,2 nghìn tỷ USD tính đến cuối năm 2010.

Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang tại New York cho biết, các nhà đầu tư đã yêu cầu vay 1,7 tỷ USD trong lần 2 của chương trình cho vay tiêu dùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Điều này chứng tỏ các tổ chức vẫn tiếp tục thận trọng trước khả năng hoàn vốn của người tiêu dùng Mỹ.

Cụ thể, các nhà đầu tư yêu cầu vay 800 triệu USD cho mục đích cho vay mua ôtô, được đảm bảo bởi các chứng khoán và khoảng 900 triệu USD cho mục đích cho vay qua thẻ tín dụng, được đảm bảo bởi chương trình cho vay đối với các chứng khoán được đảm bảo bởi các tài sản.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 7/4, Giám đốc điều hành Goldman Sachs - Lloyd Blankfein đã kêu gọi các chuẩn mực mới đối với hoạt động điều hành ở Phố Wall thông qua việc ban hành quy định mới để giám sát hoạt động của các quỹ đầu cơ và quỹ đầu tư tư nhân.

Tuyên bố của ông Lloyd Blankfein được xem là phản ứng ủng hộ đầu tiên của một định chế tài chính lớn trong việc cần phải có những quy định nhằm giám sát hoạt động của những tổ chức mà giới chức Mỹ cho rằng đó là nguyên nhân tạo nên những bất ổn, góp phần lớn đẩy cuộc khủng hoảng tài chính đi xa hơn.

Chính quyền Tổng thống Obama gần đây đã đưa ra kế hoạch trình Quốc hội nhằm ban hành các quy định buộc các quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm phải đăng ký với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ hai trong tuần

Ngày 7/4, hãng tin Reuters đã cho biết, General Motors đang chuẩn bị kế hoạch nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án. Theo kế hoạch, General Motors chuyển đổi thành công ty mới với việc chia tách gồm nhiều đơn vị thành viên.

Trước đó, Giám đốc điều hành của General Motors - Fritz Henderson đã cho biết công ty sẽ thực hiện các hoạt động để tái cấu trúc công ty, nhưng hãng cũng có thể nộp đơn xin bảo hộ phá sản nếu thấy cần thiết. Hiện tại, General Motors chỉ còn hơn 50 ngày nữa để thực hiện tái cơ cấu hoạt động như yêu cầu của chính quyền Tổng thống Obama.

Chuyển qua thông tin về tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất ở Mỹ - Alcoa vừa thông báo kết quả kinh doanh quý 1/2009 với doanh thu đạt 4,1 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận lỗ 497 triệu USD, tương đương -61 cent/cổ phiếu. Trong quý 1/2008, hãng thu về 303 triệu USD, tương đương 37 cent/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh hôm thứ Ba, đưa các chỉ số có thêm phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp trong tuần.

Những lo ngại về triển vọng lợi nhuận của các tập đoàn trong quý 1/2009 đã bao trùm lên khắp thị trường. Mùa công bố kết quả kinh doanh được khởi động bởi kết quả kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn Alcoa.

Tuy nhiên, do Alcoa công bố kết quả kinh doanh sau khi thị trường đóng cửa ngày giao dịch nên sức ảnh hưởng của nó vẫn chưa tác động lên thị trường.

Theo nhận định của giới phân tích, trong quý 1/2009, kết quả kinh doanh của 500 tập đoàn trong chỉ số S&P 500 sẽ giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ngày giao dịch, giá dầu đã xuống dưới 50 USD/thùng nên đã đẩy cổ phiếu khối năng lượng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Chevron giảm 2,1%, cổ phiếu Exxon Mobil trượt 1,9%.

Cổ phiếu của General Motors mất 11,89% xuống 2 USD/cổ phiếu sau khi có tin hãng đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Trong khi đó, mức nợ xấu của các tổ chức tài chính được IMF dự báo có thể lên tới 4.000 tỷ USD và những lo ngại khác về khối tài chính Mỹ đã đẩy cổ phiếu khối ngân hàng Mỹ giảm 3,5% trong ngày. Trong đó, cổ phiếu JPMorgan Chase mất 3,4%, cổ phiếu Bank of America hạ 1,6%,...
Sức nóng mùa cổ tức “nhấn chìm” Phố Wall  - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 7/4 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 7/4: chỉ số Dow Jones mất 186,29 điểm, tương đương -2,34%, chốt ở mức 7.789,56.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 45,1 điểm, tương đương -2,81%, chốt ở mức 1.561,61.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 19,93 điểm, tương đương -2,39%, đóng cửa ở mức 815,55.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,26 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.368 cổ phiếu giảm điểm và có 647 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 1,89 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.033 cổ phiếu lên điểm và có 649 cổ phiếu mất điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm phiên thứ ba liên tiếp

Ngày 7/4, Royal Bank of Scotland đã cho biết sẽ cắt giảm 9.000 việc làm trong vòng 2 năm tới, trong đó sẽ cắt giảm 4.500 việc làm tại Anh. Từ đầu năm 2009 đến nay, ngân hàng này đã công bố cắt giảm 2.700 việc làm.

Chứng khoán châu Âu đã giảm điểm phiên thứ ba liên tiếp trước đà giảm điểm của cổ phiếu khối ngân hàng, năng lượng và sản xuất ôtô.

Cổ phiếu của khối ngân hàng dẫn đầu về biên độ giảm điểm, trong đó cổ phiếu Standard Chartered mất 6,3%, cổ phiếu Lloyds giảm 8,5%, cổ phiếu Societe Generale trượt 2% và cổ phiếu UBS hạ 5,2%.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục hạ nên đã đẩy cổ phiếu BP, BG Group Tullow Oil, Total, Royal Dutch Shell và StatoilHydro giảm từ 1,2-3,1%.

Cổ phiếu ngành sản xuất ôtô phiên này cũng đồng loạt mất điểm, trong đó cổ phiếu BMW giảm 4,4%, cổ phiếu Daimler hạ 1,5%, cổ phiếu Fiat, Renault  và Peugeot giảm từ 0,5-4,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 63,02 điểm, tương đương -1,58%, chốt ở mức 3.930,52. Khối lượng giao dịch đạt 2,25 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức hạ 0,63%, khối lượng giao dịch đạt 25,7 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 0,94%, khối lượng giao dịch đạt 161 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á chịu sức ép giảm điểm

Ngày 7/4, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực đều giảm điểm trước những lo ngại về khối tài chính Mỹ.

Bên cạnh đó, giá nhiều hàng hóa cơ bản như dầu, đồng... đều giảm nên đã kéo cổ phiếu khối này giảm theo.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 0,4% xuống 86,76 điểm. Thị trường cứ có 5 cổ phiếu giảm điểm thì có 4 cổ phiếu lên điểm.

Chứng khoán Nhật đã giảm điểm hôm thứ Ba sau khi có 4 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó. Những lo ngại về sức khỏe khối ngân hàng Mỹ đã tạo áp lực giảm giá đối với cổ phiếu khối tài chính Nhật.

Chốt phiên, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 1,2%, cổ phiếu Mizuho Financial Group hạ 2,5%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group mất 1,1%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 25,08 điểm, tương đương -0,28%, chốt ở mức 8.832,85. Khối lượng giao dịch đạt 2,28 tỷ cổ phiếu, thị trường có 813 cổ phiếu giảm điểm và có 788 cổ phiếu tăng điểm.

Chuyển qua thị trường Australia, Ngân hàng Trung ương nước này vừa đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất trong vòng 49 năm qua. Quyết định này được đưa ra trước bối cảnh Australia đang phải đối mặt với nguy cơ lâm vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 1991.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương nước này đã cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản, đưa mặt bằng lãi suất đồng Đôla Australia về 3%/năm.

Bất chấp quyết định cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Australia vẫn giảm điểm trong phiên này. Kết thúc phiên, chỉ số ASX giảm 47,9 điểm, tương đương -1,3%, chốt ở mức 3.648,5.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lên điểm hôm thứ Ba nhờ đà tăng của cổ phiếu khối dược phẩm và khai thác đồng, đưa chỉ số Shanghai Composite tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua.

Kết thúc phiên, chỉ số Shanghai Composite tăng 19,4 điểm, tương đương 0,8%, chốt ở mức 2.439,18 - mức cao nhất kể từ ngày 20/8/2008.

Chứng khoán Hồng Kông đã mất điểm phiên này sau khi tăng gần 11% trong 3 phiên trước đó. Đà giảm của cổ phiếu khối ngân hàng đã kéo chỉ số Hang Seng đi xuống. Kết thúc phiên, chỉ số này giảm 69,07 điểm, tương đương -0,46%, chốt ở ngưỡng 14.928,97 điểm – tăng 3,8% so với đầu năm 2009.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,37. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 2,63%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,17%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 7.975,857.789,56Down186,29Down2,34
Nasdaq1.606,711.561,61Down45,10Down2,81
S&P 500835,48815,55 Down19,93Down2,39
AnhFTSE 1003.993,543.930,52Down63,02Down1,58
ĐứcDAX4.349,814.322,50Down27,31Down0,63
PhápCAC 402.929,752.902,31Down27,44Down0,94
Đài LoanTaiwan Weighted5.556,225.576,85Up20,63Up0,37
NhậtNikkei 2258.857,938.832,85Down25,08Down0,28
Hồng KôngHang Seng14.998,0414.928,97Down69,07Down0,46
Hàn QuốcKOSPI Composite1.297,851.300,10Up2,25Up0,17
Singapore Straits Times1.842,791.799,46Down48,52Down2,63
Trung Quốc Shanghai Composite2.419,782.439,18Up19,40Up0,80
Ấn ĐộBSE 3010.467,32N/AN/AN/A
AustraliaASX3.696,403.648,50Down47,90Down1,30
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg