16:34 13/10/2022

Suy thoái sâu trong năm 2023 có thể đẩy giá dầu tụt về 60 USD/thùng

Phương Linh

Đây là dự báo của các chiến lược gia tại RBC Capital Markets...

RBC dự báo giá dầu sẽ giảm xuống 60 USD/thùng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái sâu - Ảnh: Reuters
RBC dự báo giá dầu sẽ giảm xuống 60 USD/thùng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái sâu - Ảnh: Reuters

Theo dự báo của ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, giá dầu thế giới có thể giảm xuống 60 USD/thùng vào năm 2023 nếu như một cuộc suy thoái kinh tế sâu khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.

“Một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến giá dầu Brent giảm 37% từ mức 94,7 USD hiện tại. Khả năng này xảy ra điều này là 15%”, nhóm chiến lược gia của RBC Capital Markets dẫn đầu là ông Michael Tran cho biết trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 12/10. “Đó là câu chuyện về nhu cầu suy yếu”.

Nguyên nhân là các yếu tố kinh tế vĩ mô như "lạm phát cao hơn dự kiến làm triệt tiêu nhu cầu tiêu dùng, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách chống Covid gây cản trở tiêu dùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi quá xa với việc tăng lãi suất nhanh”.

“Các mối đe dọa về vĩ mô như vậy trở thành hiện thực có thể dẫn tới một bối cảnh giống như suy thoái, mà ở đó mối tương quan giữa các loại tài sản rủi ro đều biến động mạnh do các nhà đầu tư đổ xô tới các tài sản an toàn”, nhóm chiến lược gia nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, các chiến lược gia của RBC chỉ ra rằng lạm phát cao kỷ lục, tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc và động thái tăng lãi suất mạnh tại của Fed đã làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Trên thực tế, về mặt kỹ thuật, Mỹ đã rơi vào suy thoái với 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm. Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới để kiềm chế lạm phát.

Giá dầu đã tăng vọt lên khoảng 130 USD/thùng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 nhưng hiện đã giảm về mức khoảng 90 USD.

Tuần trước, giá dầu đã bật tăng sau khi liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu đầu mỏ (OPEC+) và các đối tác gồm Nga quyết định sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Tuy nhiên, mối lo ngại hiện tại vẫn tập trung vào sức khỏe nền kinh tế thế giới khi mà cuộc đua tăng lãi suất để ghìm lạm phát đang làm giảm triển vọng trăng trưởng toàn cầu. 

Ngày 12/10, giá dầu có phiên giảm thứ ba liên tiếp do áp lực từ sự tăng giá của đồng USD, lãi suất tăng và lỗi lo về nhu cầu sụt giảm nếu xảy ra suy thoái. 

“Các yếu tố căn bản của thị trường dầu đã nhường chỗ cho bối cảnh vĩ mô và thị trường đang bị chi phối bởi chính sách”, nhóm chiến lược gia của RBC Capital Markets phân tích. “Những diễn biến trong quý trước là lời nhắc nhở rõ ràng rằng một tác động mạnh của chính sách vĩ mô có thể tạm thời lấn át các nguyên tắc cơ bản đối với hầu hết các loại tài sản”.

Đồng quan điểm, nhà phân tích thị trường hàng hóa Giovanni Staunovo, của UBS Group AG cũng nhận xét: “Có vẻ như thị trường đang đánh giá thấp rủi ro về nguồn cung và tập trung vào những lo ngại về nhu cầu nhiều hơn".

Trong báo cáo của mình, các chiếc lược gia RBC cũng chỉ ra 2 kịch bản kinh tế khác có thể tác động tới giá dầu trong năm sau.

Cụ thể, theo kịch bản kinh tế toàn cầu không suy thoái, giá dầu Brent có thể tăng khoảng 25% lên 115-120 USD/thùng trong bối cảnh nguồn cung dầu thô Nga sang châu Âu qua các đường ống quan trọng tiếp tục giảm xuống. Còn nếu nền kinh tế chỉ suy thoái nhẹ, các chiến lược gia của RBC dự báo giá đầu sẽ dao động quan ngưỡng 90-95 USD/thùng.