Mỹ “đánh giá lại” quan hệ với Saudi Arabia sau khi liên minh OPEC-Nga cắt giảm sản lượng dầu
Theo thông tin từ Nhà Trắng ngày 11/10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang “đánh giá lại” mối quan hệ với Saudi Arabia sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - do Riyadh dẫn đầu - đứng về phía Nga với quyết định cắt giảm sản lượng dầu...
OPEC+, liên minh giữa 13 quốc gia thành viên OPEC và 10 nước đồng minh bao gồm Nga, tuần trước đã khiến Mỹ “nóng mặt” khi đưa ra quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 11 tới.
Động thái này làm dấy lên lo ngại có thể khiến giá dầu tăng vọt và được cho là một quyết định có lợi cho Moscow trong bối cảnh phương Tây dự kiến áp đặt giá trần với dầu Nga từ tháng 12.
“Tôi cho rằng Tổng thống (Joe Biden) có quan điểm rất rõ ràng rằng mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia cần phải được đánh giá lại và chúng tôi sẵn sàng thực hiện một chuyến thăm khác tới Riyadh”, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói với CNN. “Chắc chắn việc này có liên quan tới quyết định giảm sản lượng của OPEC”.
"Mỹ phải lập tức đóng băng mọi hợp tác với Saudi Arabia, bao gồm bất kỳ hoạt động mua bán vũ khí và hợp tác an ninh nào vượt quá những gì thực sự cần thiết để bảo vệ nhân sự và lợi ích của Mỹ. Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ việc hợp tác nào với Riyadh cho đến khi vương quốc này đánh giá lại quan điểm của mình với cuộc chiến ở Ukraine".
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ
Theo các nhà phân tích, quyết định của OPEC và các nước đồng minh được cho là “dội một gáo nước lạnh“ vào quan hệ ngoại giao Mỹ-Saudi Arabia, đặc biệt khi quyết định này được đưa ra không lâu sau chuyến thăm tới quốc gia này của ông Biden hồi tháng 7. Quyết định cũng được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm với Đảng Dân chủ của ông Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, khi mà một trong những trọng tâm Đảng Cộng hòa sẽ xoáy vào tình trạng giá cả leo thang để tập hợp sự ủng hộ của cử tri.
“Tổng thống đã sẵn sàng làm việc với Quốc hội để cân nhắc định hướng mối quan hệ với Saudi Arabia trong tương lai”, ông Kirby cho biết nhưng nhấn mạnh rằng hiện chưa có cuộc thảo luận chính thức nào.
Phát biểu của ông Kirby được đưa ra một ngày sau khi Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, kêu gọi Washington ngừng mọi hợp tác với Riyadh. Theo ông, vương quốc Trung Đông này đã quyết định ủng hộ cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine với động thái mà ông chỉ trích là một sự nhượng bộ đối với Moscow và gây nguy hại cho nền kinh tế toàn cầu.
“Mỹ phải lập tức đóng băng mọi hợp tác với Saudi Arabia, bao gồm bất kỳ hoạt động mua bán vũ khí và hợp tác an ninh nào vượt quá những gì thực sự cần thiết để bảo vệ nhân sự và lợi ích của Mỹ”, ông Menendez nói. "Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ việc hợp tác nào với Riyadh cho đến khi vương quốc này đánh giá lại quan điểm của mình với cuộc chiến ở Ukraine”.
Lời kêu gọi của ông Menendez nhận được sự ủng hộ của một số nhà lập pháp đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Chris Murphy (bang Connecticut).
“Trong suốt nhiều năm, chúng ta đã nhìn theo hướng khác, vì một lý do là: chúng ta muốn biết rằng khi giá chip giảm, khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu, họ sẽ chọn chúng ta thay vì Nga”, ông Murphy nói với CNN. “Tuy nhiên, họ đã không làm vậy. Họ đã chọn Nga”.
Về phía Saudi Arabia, nước này bảo vệ quyết định giảm sản lượng của OPEC+, nói rằng ưu tiên hàng đầu của liên minh này là “duy trì ổn định thị trường dầu khí”.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Arabiya ngày 11/10, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan nói rằng quyết định giảm sản lượng dầu “chỉ đơn thuần mang tính kinh tế và được đưa ra với sự nhất trí cao của các thành viên OPEC”.
“Các thành viên liên minh OPEC+ đã hành động có trách nhiệm và đưa ra một quyết định phù hợp”, ông Farhan nói.
Quan hệ đối tác giữa Mỹ và Saudi Arabia bắt đầu sau Chiến tranh thế giới thứ 2, mang lại cho đất nước vùng Vịnh sự bảo vệ quân sự, đổi lại phía Mỹ được tiếp cận nguồn dầu mỏ.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, mối quan hệ này càng gắn bó hơn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Khi đó, Riyadh chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Saudi Arabia sẽ mua 300 hệ thống tên lửa Patriot MIM-104E, có thể được sử dụng để bắn hạ tên lửa hành trình và đạn đạo tầm xa cũng như máy bay tấn công.
“Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia là mối quan hệ chiến lược, giúp thúc đẩy an ninh và ổn định ở Trung Đông”, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington cho biết trong một tuyên bố ngày 11/10. “Hợp tác quân sự song phương nhằm mang lại lợi ích của cả hai quốc gia”.
Gần đây, Saudi Arabia đang đối mặt với mối đe dọa tên lửa từ phiến quân Houthi của Yemen với thiết bị và công nghệ từ Iran.
Còn ở Mỹ, tuần trước ông Biden cho biết sẽ tìm kiếm các biện pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao. Các biện pháp này có thể bao gồm tiếp tục xã kho dự trữ xăng dầu chiế lược, đẩy mạnh hoạt động khoan dầu trong nước, cũng như các biện pháp quyết liệt hơn như áp đặt hạn chế xuất khẩu.