18:23 28/06/2022

Tái canh đã đưa năng suất cà phê ở Việt Nam lên cao gấp 3 lần thế giới

Chương Phượng

Phát triển ngành cà phê trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 cả nước sẽ trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha cà phê. Hy vọng năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha và cho thu nhập cao gấp 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh…

Gần  170 nghìn ha cà phê già cỗi đã được trẻ hóa.
Gần 170 nghìn ha cà phê già cỗi đã được trẻ hóa.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam đứng thứ 2 cả nước về diện tích (710 nghìn ha) sau cao su (930 nghìn ha).

ĐÃ TÁI CANH 170 NGHÌN HA CÀ PHÊ

Tính đến hết năm 2021 có hơn 20 tỉnh trồng cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (chiếm khoảng 90% diện tích cà phê cả nước). Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới; trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối. Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,56 triệu tấn, trị giá hơn 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cách đây hơn 1 thập kỷ, rất nhiều diện tích cà phê già cỗi trên 30 năm, năng suất thấp, trồng chủ yếu từ các giống cà phê thực sinh. Do vậy năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra ban hành Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT về việc "Phê duyệt đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020".

 

"Tái canh đã giúp tăng năng suất cà phê Việt Nam từ 23,5 tạ/ha năm 2011 lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn năm 2020 lên 1,81 triệu tấn năm 2021. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần (2,8 tấn/ha) so với năng suất cà phê của thế giới (0,8 tấn/ha)".

Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt.

Đề cập kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2022, ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên đạt hơn 129 nghìn ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Tính lũy kế, diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011 - 2021 đạt 166.579 ha.

“Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Cà phê mới mang lại chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững”, ông Lê Văn Đức khẳng định.

Đề án tái canh cà phê đã đưa vào trồng tái canh phần lớn các giống cà phê vối cao sản mới, không những cho năng suất cao, chất lượng nhân tốt mà còn chống chịu bệnh gỉ sắt rất tốt như TR4, TR9, TR11, TR13, TRS1... Một số giống như TR4, TR15, Cà phê dây, Xanh lùn có thời điểm chín muộn (từ tháng 1 đến tháng 2), đã vào mùa khô ở Tây Nguyên nên rất thuận lợi cho việc thu hái, chế biến sản phẩm, giảm áp lực công thu hoạch, nhất là giảm được một đợt tưới so với các giống chín sớm, chín trung bình.

Đặc biệt, sự thành công của đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 – 2022 có đóng góp rất lớn từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSAT) do Ngân hàng thế giới tài trợ.

Ông Cao Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Trung ương, cho biết dự án đã đào tạo, tập huấn tái canh cho 30.898 hộ nông dân (đạt 343% so với kế hoạch ban đầu) với 29.899 ha được áp dụng kỹ thuật đào tạo, tập huấn (đạt 298% so với kế hoạch ban đầu).

Theo ông Sơn, để thúc đẩy, hỗ trợ nông dân trồng cà phê có nguồn vốn tái canh, Dự án VnSAT đã bố trí 54,6 triệu USD để cung cấp các khoản vay dài hạn. Hạn mức tối đa cho vay tái canh của Dự án lên tới 400 triệu đồng/ha; thời gian vay tái canh vay tối đa 9 năm, với lãi suất ân hạn 6,5% trong 3 năm kiến thiết cơ bản của vườn cây. Tính đến nay, tổng diện tích cà phê tái canh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là 11.922 ha, với tổng vốn cho vay lên đến 2.002 tỷ đồng.

ĐƯA THU NHẬP NÔNG DÂN TRỒNG CÀ PHÊ TĂNG GẤP 2 LẦN

Tại hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 và triển khai Đề án giai đoạn 2021 – 2025 vừa diễn ra tại Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định nhiệm vụ tái canh cà phê đã đạt được thành quả vượt xa mục tiêu đề ra.

“Để đạt được kết quả đáng khích lệ này, có chỉ đạo hiệu quả của các bộ ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước, sự triển khai tích cực, đồng bộ của các địa phương và Dự án VnSAT; sự phối kết hợp của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam với người trồng cà phê và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Từ những thành công của Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê, nâng mức cho vay vốn tái canh cà phê, giảm lãi suất phù hợp với thực tế nhằm giảm gánh nặng cho người dân trong thời gian tái canh cho đến khi thu hoạch cà phê". 

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ  trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Người dân có thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương. Đối với các diện tích cà phê không có tưới, đất quá dốc, tầng đất mỏng cần chuyển đổi sang cây trồng khác. Diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh thì cần xác rõ định diện tích có thể tái canh ngay, diện tích cần phải luân canh, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo quy trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào sản xuất các giống cà phê mới phục vụ nhu cầu tái canh của các tỉnh, chú ý đến bộ giống cà phê chè phù hợp cho cả vùng miền Trung và vùng Tây Bắc.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiến hành xây dựng các tài liệu kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về tái canh để hỗ trợ trực tiếp người dân trong suốt quá trình tái canh.