17:40 18/07/2018

Tái cấu trúc thị trường, đề xuất sáp nhập hai Sở Giao dịch chứng khoán

Đào Vũ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm triển khai các dự thảo sáp nhập hai Sở Giao dịch Chứng khoán HNX và HOSE

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án sáp nhập HNX và HOSE.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án sáp nhập HNX và HOSE.

Bên cạnh chủ trương tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán, tăng cường quản trị đối với công ty đại chúng, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ về đề xuất sáp nhập hai Sở Giao dịch Chứng khoán.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật chứng khoán (sửa đổi) theo hướng nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý, tăng cường giám sát và xử lý vi phạm đồng bộ với các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho ý kiến về Đề án sáp nhập Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán; áp dụng các giải pháp phát triển thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. 

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Vương Đình Huệ nhận định thị trường chứng khoán vừa qua tăng trưởng khá nhưng biến động nhanh. Đến cuối tháng 6/2018, quy mô thị trường chứng khoán tăng 10,7% so với cuối năm 2017 và đạt tỷ lệ khoảng 77,7% GDP.

"Vì sao thị trường chứng khoán vừa qua biến động như vậy? Phải chăng là do đã phát triển quá "nóng" trong năm 2017 và đầu 2018 nên giờ điều chỉnh lại theo đúng giá trị thực của nó?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính phân tích làm rõ nguyên nhân biến động của thị trường chứng khoán thời gian qua là do sự tác động của các yếu tố như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đồng USD tăng giá, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn hay do phản ứng thái quá của tâm lý nhà đầu tư... Đồng thời, phải đánh giá mối quan hệ giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định (trong đó có 6 Nghị định về điều lệ và tổ chức hoạt động của 4 tập đoàn, 2 tổng công ty). Tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình đã đề ra.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 8/85 doanh nghiệp theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 29.400 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 15.200 tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp đã thoái được 2.500 tỷ đồng, thu về 6.400 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm là 434 tỷ đồng, thu về 507 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 8 doanh nghiệp với giá trị 211 tỷ đồng, thu về 2,6 nghìn tỷ đồng; thoái 1.800 tỷ đồng và thu về trên 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư các lĩnh vực khác.

"Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước còn chậm. Lũy kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến nay, tổng số vốn nhà nước đã bán chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải chỉ rõ