17:44 23/05/2014

Tài chính vi mô vẫn bị nhầm là… từ thiện

Duy Nghĩa

Tài chính vi mô vẫn chưa có được vị trí danh dự trong chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng thương mại

Hội nghị thường niên các Ngân hàng Tiết kiệm khu vực châu Á - Thái 
Bình Dương lần thứ 20, do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 
(LienVietPostBank) và Hiệp hội Ngân hàng tiết kiệm và bán lẻ thế giới 
(WSBI) phối hợp tổ chức trong hai ngày 21 và 22/5 vừa qua.<br>
Hội nghị thường niên các Ngân hàng Tiết kiệm khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20, do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Hiệp hội Ngân hàng tiết kiệm và bán lẻ thế giới (WSBI) phối hợp tổ chức trong hai ngày 21 và 22/5 vừa qua.<br>
Tại Việt Nam, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn đang bỏ qua dịch vụ tài chính vi mô - mảng gắn với số đông dân cư tập trung ở khu vực nông thôn.

Thực tế này được đặt ra tại hội nghị thường niên các ngân hàng tiết kiệm khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20, do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Hiệp hội Ngân hàng tiết kiệm và bán lẻ thế giới (WSBI) phối hợp tổ chức trong hai ngày 21 và 22/5 vừa qua.

Còn nhiều trở ngại

Tại hội nghị, ông Alain Boey, Phó chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Tiết kiệm Quốc gia Malaysia (BSN), dẫn một thực tế phát triển của dịch vụ tài chính vi mô có thể xem là mẫu hình mong đợi cho Việt Nam.

Ông Alain Boey cho biết, năm 2014, BSN có kế hoạch tuyển thêm 1.000 nhân viên mới để hoàn tất chiến lược phủ kín dịch vụ của mình tại 100% địa bàn trên toàn Malaysia. Độ phủ gần như tuyệt đối này nhằm khai thác tối đa tiềm năng của dịch vụ tài chính vi mô.

Đáng chú ý là BSN có cơ chế khá “thoáng” để thúc đẩy dịch vụ này phát triển, như cho vay tín chấp, thủ tục tương đối đơn giản và nhanh gọn (tối đa là 6 ngày để giải ngân). Song song với đó là mục tiêu thu hút tối đa những khoản tiết kiệm nhỏ và siêu nhỏ - nguồn vốn mà ông Alain Boey nhấn mạnh ở giá trị độ rộng và bền vững trong dân cư.

Đó cũng là những điểm tương đồng và cơ chế cần có cho phát triển dịch vụ tài chính vi mô tại Việt Nam. Thế nhưng, hiện mới chỉ có hai tổ chức của nhà nước gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Chính sách Xã hội là hai đầu mối chính; các ngân hàng thương mại hay khối tư nhân gần như vẫn đang bỏ qua mảng thị trường này.

Theo phân tích của một số diễn giả tại hội nghị trên, có nhiều lý do khiến hầu hết các nhà băng còn bỏ qua, chung quy vẫn là đối tượng khách hàng. Tại Việt Nam, tài chính vi mô vẫn được hiểu là việc đáp ứng những khoản vay rất nhỏ cho các hộ gia đình nghèo. Dĩ nhiên nó đi cùng với các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và bảo hiểm, nhưng hiện chủ yếu vẫn là tín dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank, nhóm khách hàng này chủ yếu là nhỏ và thu nhập hạn chế, trong khi các ngân hàng phải đối diện với bài toán lớn về chi phí, mạng lưới, nhân sự và đào tạo, đầu tư công nghệ… khiến họ vẫn chưa mặn mà. Thế nên, mảng lớn khách hàng trong một thị trường 90 triệu dân hiện vẫn còn để ngỏ với các ngân hàng tư nhân.

Thậm chí ngay từ phía khách hàng, nhận thức của nhiều người cũng chưa đúng và đầy đủ. Bà Sơn cho biết, thời gian qua khi LienVietPostBank triển khai tín dụng vi mô, nhiều khách hàng vẫn nhầm tưởng đó là chính sách từ thiện, trong khi đây hoàn toàn là hoạt động thương mại.

Hiệu quả lớn

Ở tầm nhìn chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã xác định tài chính vi mô là một mũi nhọn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Một khía cạnh trong đó bắt đầu được đẩy mạnh những năm gần đây là tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Thế nhưng, như trên, ngoài bài toán về chi phí đầu tư, để có được độ phủ như của BSN tại Malaysia hay thực sự lôi kéo được khối ngân hàng tư nhân vào cuộc, một điều kiện tiên quyết là phải có được hệ thống mạng lưới trải rộng. Trong khối tư nhân, hiện LienVietPostBank là đầu mối gần như là duy nhất có được lợi thế này.

Sau khi sáp nhập Tiết kiệm Bưu điện, LienVietPostBank đang sở hữu hơn 10.000 điểm giao dịch tiềm năng, trải khắp trên cả nước qua hệ thống bưu điện. Hiện ngân hàng này đã online hóa hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và sẽ tiếp tục khai thác hơn 9.000 điểm còn lại (dự kiến hoàn thiện vào năm 2018), phục vụ cho chiến lược phát triển dịch vụ tài chính vi mô.

Với mô hình trên, sau gần ba năm triển khai, LienVietPostBank đã từng bước phủ rộng, nhất là các địa bàn xa, để tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân, cũng như góp phần thay đổi đời sống dân cư trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Bà Sơn cho biết, trước mắt, LienVietPostBank tập trung triển khai các dịch vụ tiết kiệm và tín dụng vi mô, thu - chi hộ hóa đơn. Hiệu quả khá rõ rệt.

Cụ thể, hiện LienVietPostBank đã có được cơ sở khá lớn với gần 600.000 khách hàng cá nhân. Tổng vốn huy động đạt trên 20.000 tỷ đồng từ nhóm khách hàng được cho là nghèo này, chủ yếu là những khoản tiết kiệm nhỏ lẻ, trở thành nguồn lực quan trọng. Đáng chú ý, chi phí huy động nguồn vốn ở đây không cạnh tranh quyết liệt như tại các địa bàn lớn, với khách hàng lớn, và là điều kiện để có được lãi suất cho vay thấp hơn quay trở lại phục vụ khu vực này.

Thời gian qua LienVietPostBank cũng đã thí điểm triển khai tín dụng vi mô cho các hộ dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bà Sơn cho biết, nguồn vốn cho vay ở đây đang mở rộng và gần như không có nợ xấu. Kết quả này là tiền đề để xem xét mở rộng tín dụng vi mô tại các địa bàn khác trên cả nước.

Dù các dịch vụ tài chính vi mô hiện đang từng bước mở rộng ở các hoạt động, nghiệp vụ cơ bản, song hiệu quả mà LienVietPostBank đúc kết là mang lại nhiều giá trị lớn cho ngân hàng, cũng như góp phần nâng cao đời sống người dân trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Và đây hiện là một mảng thị trường nhiều tiềm năng, khi sự tham gia của khối ngân hàng tư nhân vẫn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để mở rộng dịch vụ tài chính vi mô, Chính phủ cũng đã xác định các giải pháp cơ bản như tập trung xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ để khuyến khích các tổ chức tư nhân tham gia; xây dựng đội ngũ các chuyên gia, phát triển các sản phẩm dịch vụ; xem xét hỗ trợ nguồn vốn gắn với công tác xóa đói giảm nghèo; nâng cao nhận thức về tài chính vi mô; thành lập các hiệp hội, các đầu mối để chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm…

(Nguồn: LienVietPostBank)