16:33 14/10/2016

Tái khẳng định tình trạng tham nhũng có tính “lợi ích nhóm”

Nguyên Vũ

Chính phủ khẳng định sẽ xử lý kiên quyết, bất kể người có hành vi tham nhũng là ai, ở vị trí nào

Nhận định của nhiều năm trước vẫn tiếp tục được nêu lại. Đó là, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành... gây bức xúc trong xã hội. 
Nhận định của nhiều năm trước vẫn tiếp tục được nêu lại. Đó là, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành... gây bức xúc trong xã hội. 
Cuối năm 2015, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, lần đầu tiên Chính phủ nhận định, “đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực”.

Gần đây, trả lởi kiến nghị của cử tri, Chính phủ đã tái khẳng định điều này.

Nhận định không mới

Mới hoàn thành để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bản tập hợp trả lời kiến nghị của của cử tri gửi đến Quốc hội khoá 13 tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016) có nhiều kiến nghị được gửi đến Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, cử tri Bình Định cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tuy đạt được một số kết quả, một số vụ án lớn nổi cộm về tham nhũng được xử lý kiên quyết, nhưng việc truy thu tài sản có được từ tham nhũng còn rất ít.

Đề nghị của cử tri là Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các bộ ngành, địa phương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm, để củng cố lòng tin của nhân dân.

Trả lời kiến nghị này, Thanh tra Chính phủ nêu, công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện và đạt những kết quả tích cực trên một số mặt công tác. 

Do có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát của ban chỉ đạo và trách nhiệm cao của các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nên công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước chuyển biến tương đối rõ rệt, nhất là trong việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
 
Tuy nhiên, nhận định của nhiều năm trước vẫn tiếp tục được nêu lại. Đó là, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành... gây bức xúc trong xã hội. 

Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” trong một số lĩnh vực, Chính phủ tái khẳng định.

Nhưng, cũng như ở báo cáo năm trước, tình trạng tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” xuất hiện ở lĩnh vực nào, hay biểu hiện ra sao đều không có thông tin cụ thể.

Vẫn là trọng tâm 

Vẫn theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, tham nhũng lớn tập trung những lĩnh vực nhạy cảm. Tham nhũng nhỏ xảy ra với những hoạt động thường xuyên, có sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp như: thuế, hải quan, cấp giấy phép, dịch vụ công...

Hồi âm cử tri, Chính phủ cho rằng, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn mang tính hình thức, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, kéo dài. Chính phủ cũng đồng ý là với cử tri là việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước xác định việc đấu tranh phòng chống tham nhũng là vấn đề cấp bách, thường xuyên và lâu dài nhằm ổn định lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước làm lành mạnh các quan hệ xã hội. 

Chính phủ xác định phòng chống tham nhũng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn. 

Tại các phiên họp hàng tháng, Chính phủ đều nghe báo cáo và có chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng, nhiều trường hợp Chính phủ đã có văn bản phê bình, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương do chưa thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, văn bản trả lời cử tri nêu thông tin.

Cơ quan trả lời cũng cho biết một trong những giải pháp trọng tâm Chính phủ đang quan tâm thực hiện trong thời gian tới là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn như quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời chú trọng những địa phương, khu vực có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách lớn. 

Chính phủ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, bất kể người có hành vi tham nhũng là ai, ở vị trí nào.