22:21 16/03/2017

Tài sản gia đình Thứ trưởng Thoa: “Con cháu có thể bỏ tiền túi mua”

Kiều Châu

"Thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỷ thì không được”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Tại cuộc họp báo chiều 16/3, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đã thay mặt Bộ Tài chính trả lời những thắc mắc của truyền thông xung quanh khối tài sản của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sau quá trình cổ phần hóa Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Theo đó, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định không có lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Ông Tiến cho biết, thời điểm bà Thoa mua cổ phần của Công ty Điện Quang là thời kỳ khuyến khích mọi người mua cổ phần, những Đảng viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải gương mẫu đi đầu trong việc này.

Tuy nhiên, sau thời kỳ đó, diễn biến việc bán cổ phần ra sao ông Tiến cho rằng cần phải kiểm tra từng bước một.

"Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ công bố”, ông Tiến nói.

Về việc một số người thân của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng sở hữu một lượng lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ông TIến khẳng định việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm.

"Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua. Nhưng nếu là cán bộ Nhà nước, cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỷ thì không được”.

Ông Tiến cho biết, trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy chế, quy định về việc công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nếu xảy ra trường hợp thu nhập, tài sản bất ngờ gia tăng đều phải công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm tra xem nguồn thu nhập, tài sản đó có nguồn gốc chính đáng hay không?

Tại họp báo, ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, hiện tượng thâu tóm cổ phần tại Công ty Điện Quang là do quá trình thực hiện bán vốn tại công ty cổ phần.

Theo quy định về cổ phần hóa được thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp được mua cổ phần của doanh nghiệp theo 2 nội dung. Lãnh đạo công ty được mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực nhà nước như tất cả cán bộ, không có sự phân biệt với các nhân viên.

"Mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà nước được mua 100 cổ phần ưu đãi giá bán bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công. Điều này có nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp cũng được mua cổ phần với giá ưu đãi giống như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp”, ông Long nói.

Tính đến 16/3, cổ phiếu DQC còn 53.000 đồng/cổ phiếu, giảm đáng kể từ khi những thông tin tài sản gia đình bà Thoa bắt đầu được đưa lên một số phương tiện truyền thông.

Bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 89,4 tỷ đồng. Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên Hội đồng Quản trị, Phó giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 218,7 tỷ đồng.

Con gái thứ hai của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm số cổ phiếu DQC tương ứng 118,2 tỷ đồng.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 133,5 tỷ đồng. Bà Trần Thị Xuân Mỹ, mẹ của bà Thoa, cũng đang nắm số cổ phiếu trị giá 64,8 tỷ đồng.

Điện Quang năm 2016 có doanh thu 1.028 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 193 tỷ, giảm lần lượt 7,7% và 3,2% so với năm trước. Trong đó, quý 4, doanh thu công ty giảm mạnh 32%, lợi nhuận giảm 23% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được ban lãnh đạo Điện Quang xác nhận là do doanh thu xuất nhập khẩu giảm mạnh.

Ngoài ra, một anh trai của bà Thoa là ông Hồ Đức Lam cũng đang nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Các con trai của ông Lam cũng giữ chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.

Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Từ năm 2000 đến 2005, bà là Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, số cổ phần Điện Quang (mã chứng khoán DQC) mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng.