09:12 08/05/2022

Tiếp tục thí điểm đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc

Nhật Dương

Chính phủ đồng ý thí điểm đưa lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Nghị Quyết số 59/NQ-CP, Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 5 năm từ ngày 1/1/2022.

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, bảo đảm quyền lợi của người lao động và hiệu quả kinh tế xã hội của địa phương.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo Thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc, do vậy, chỉ người lao động của địa phương có ký Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc mới được tham gia Chương trình.

Đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố ký Thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc về Chương trình này là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Cà Mau.

Tại các địa phương triển khai Chương trình này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý thực hiện và Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị trực tiếp tuyển chọn, hoàn thiện hồ sơ và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Các doanh nghiệp không được tham gia thực hiện Chương trình này.

Để tổ chức tốt hoạt động thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tuyển chọn lao động đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu đối với người lao động trong thỏa thuận ký kết.

Đặc biệt, ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.

Hồi đầu năm 2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng có thông báo dự kiến áp dụng một số quy định liên quan đến lao động thời vụ như: Mở rộng phạm vi đối với người nước ngoài được tham gia lao động thời vụ tạm thời; mở rộng các chế độ ưu tiên đối với lao động thời vụ trung thành như đảm bảo cơ hội tái nhập cảnh.

Đối với lao động thời vụ visa E-8 làm việc trung thành trong thời hạn 5 năm thì có thể được phép chuyển sang visa lao động kỹ sư chuyên ngành (E-7-5) để được phép làm việc ổn định tại địa phương; tăng cường xử phạt và hạn chế việc tuyển dụng lao động nước ngoài đối với chủ sử dụng lao động có sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp.

Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã đưa ra cảnh báo về việc nhiều đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới chào mời, quảng bá có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa C4 và E8 theo Thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.

Để tránh bị lừa đảo, cơ quan này khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia Chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.