14:28 06/01/2022

Tận dụng “thời gian vàng”, nhiều địa phương cho học sinh học trực tiếp

Thanh Xuân

Tranh thủ thời gian “vàng” học sinh được học trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải tập trung giảng dạy nội dung cơ bản, cốt lõi. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho học sinh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Căn cứ vào cấp độ dịch, một số địa phương đã cho học sinh dần trở lại trường học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết dương lịch.

92% HỌC SINH KHỐI 11 TẠI TP.HCM TRỞ LẠI TRƯỜNG 

Ngay từ ngày 4/1, các cơ sở giáo dục tại TP. HCM được tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Riêng xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được tới trường.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục – Đào tạo TP. HCM cho biết, tỷ lệ học sinh khối lớp 10 đi học đạt trên 85%, khối lớp 11 đạt 92%, khối lớp 7, 8 là trên 87%. Các trường sẽ dựa vào tình hình cụ thể để tổ chức ôn tập kiến thức và kiểm tra học kỳ tại lớp cho học sinh học trực tiếp trong khoảng thời gian từ ngày 4-22/1.

Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế rà soát, tham mưu việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục khi cần thiết; tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp đối với từng bậc học và linh hoạt theo cấp độ dịch.

Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng cho học sinh THPT trở lại trường từ ngày 4/1. Dự kiến ngày 10/1, việc học trực tiếp được mở rộng đến cấp THCS còn cấp tiểu học và mầm non sẽ triển khai thực hiện từ 14/2. Căn cứ tình hình thực tế, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị nhiều phương án tổ chức dạy và học phù hợp với thực tế địa phương theo từng mức độ nguy cơ của xã, phường, thị trấn.

Sớm hơn hai địa phương trên, Đồng Nai đã thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 tại TP. Biên Hòa đi học lại từ ngày 3/1. Cụ thể, theo quyết định của UBND TP. Biên Hòa, học sinh lớp 9 tại hai trường THCS Thống Nhất và THCS Nguyễn Văn Trỗi được đến trường trước, tới ngày 10/1 sẽ là các khối còn lại của cả hai trường trên. Ngoài ra cùng thời điểm này, học sinh khối 12 của các trường THPT, khối 9 các trường THCS, khối 5 trường tiểu học và lớp lá trường mầm non trên địa bàn cũng đồng loạt được đi học lại. Đến ngày 17/1 thì học sinh các trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non đến trường và học tập bình thường.

Phòng GD&ĐT TP. Biên Hòa có nhiệm vụ xây dựng phương án, giải pháp sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường. Chủ động chuẩn bị kit test nhanh Covid-19 để sàng lọc, rà soát các trường hợp có triệu chứng hoặc dấu hiệu nhiễm bệnh.

Song song với các tỉnh, thành trên, Bình Phước đã chuyển dạy học trực tiếp đối với khối lớp 11 và 12 thuộc địa bàn dịch cấp độ 1, 2. Tiền Giang cũng cho học sinh lớp 9 và 12 ở những vùng đủ điều kiện được trở lại trường từ ngày 3/1.

Trong khi đó tại TP. Hà Nội tính đến thời điểm này có 10 quận, huyện  mức độ dịch cấp độ 3 là Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì và Thanh Xuân. So với trước, quận Đống Đa đã từ cấp độ 3 trở về cấp độ 2 nên đủ điều kiện tổ chức cho sinh lớp 12 đi học trực tiếp.

ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU LÀ ĐẢM BẢO SỨC KHỎE

Việc đón số lượng lớn học sinh quay trở lại trường khi vẫn còn dịch bệnh đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến với các Giám đốc Sở GD&ĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, để tranh thủ thời gian “vàng” học sinh được học trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải tập trung giảng dạy nội dung cơ bản, cốt lõi. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho học sinh, nhất là các em gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, qua truyền hình khi phải tạm dừng đến trường.

Trong thời gian tới, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Ngoài các giải pháp đã và đang thực hiện cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh.

Ngoài ra, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nhận định đến thời điểm này, các tỉnh, thành đều rất chủ động, linh hoạt và nỗ lực triển khai các nhiệm vụ của năm học trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh một số nơi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh thì còn nhiều địa phương đã chuyển sang dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Việc thay đổi trạng thái đã được linh hoạt triển khai song song với tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học.

Liên quan đến vấn đề trên, các chuyên gia y tế cho rằng cần chấp nhận thực tế việc học sinh đi học trực tiếp sẽ có nguy cơ vì có đi lại, có tiếp xúc. Tuy nhiên không chỉ tới trường học mà có thể các em vẫn đi đến các khu công cộng khác thì đã là có tiếp xúc rồi chứ không phải cứ đến trường mới xuất hiện nguy cơ lây nhiễm.

Đối với những địa phương cho phép mở cửa trường học phải phân chia khoảng thời gian, khoảng cách lớp học và tính toán sao cho phù hợp nhất. Rà soát xem trường đã đủ nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với những tình huống giãn cách hay chưa cũng như khi xảy ra sự cố thì cần liên kết giữa y tế phường với y tế trường thế nào?

Đặc biệt đối với các nội dung công việc cụ thể trước, trong và sau khi học sinh đến trường để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 luôn được đảm bảo thực hiện thật nghiêm túc, bài bản. Sự phối hợp giữa nhà trường, cơ quan y tế và phụ huynh cũng như học sinh trên địa bàn là rất quan trọng.

Ngoài ra cần có đội y tế cộng đồng kết nối chặt chẽ, xây dựng kịch bản và kế hoạch, làm rõ trách nhiệm giữa các bên để cùng giám sát lẫn nhau, sẵn sàng ứng phó với những sự cố xảy ra. Khi đã chuẩn bị tốt thì không có gì phải hoang mang nếu mở cửa trường học.