22:16 04/06/2012

Tăng 5% giá mua điện một số nhà máy

Quý Hiểu

Chuẩn bị vận hành thị trường điện cạnh tranh từ 1/7/2012, EVN đã ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy với giá tăng 5%

Lý do Bộ Công Thương đưa ra là giá phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ và một số nhà máy điện chạy than gặp khó khăn về chi phí đầu vào.
Lý do Bộ Công Thương đưa ra là giá phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ và một số nhà máy điện chạy than gặp khó khăn về chi phí đầu vào.
Chuẩn bị cho việc vận hành thị trường điện cạnh tranh bắt đầu vào ngày 1/7/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 5/2012 và 5 tháng đầu năm 2012 tổ chức vào chiều ngày 4/6 ở Hà Nội.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đẩy nhanh công tác chuẩn bị, như hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hoàn tất việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện giữa EVN với các nhà máy điện trong và ngoài EVN… để thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Cùng đó, Bộ đã đồng ý cho EVN tăng giá mua điện 5% so với năm 2011 đối với hơn 10 nhà máy thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW. Lý do Bộ Công Thương đưa ra là giá phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ và một số nhà máy điện chạy than gặp khó khăn về chi phí đầu vào do biến động về về lãi suất, tỷ giá.

“Với nhà máy điện có công suất trên 30MW thì Bộ sẽ xem xét khó khăn cụ thể ở từng nhày máy để điều chỉnh cho phù hợp”, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết.

“Nhiều nhà máy khác đề nghị điều chỉnh giá điện khi chuyển đổi hợp đồng , nhưng EVN là đơn vị mua duy nhất đang gặp khó khăn về tài chính. Do đó, việc điều chỉnh phải tiến hành từ từ. EVN không còn khả năng thanh toán nhiều hơn. Khó khăn này phải được chia sẻ chung”, vẫn theo lời lãnh đạo Bộ Công Thương.

Tham gia buổi họp báo, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường bổ sung, sau một năm vận hành thử nghiệm thị trường điện cạnh tranh (tháng 7/2011), hầu hết trong các tháng, những đơn vị tham gia đều chào giá cao hơn so với giá đã ký trong hợp đồng trước đó với EVN. Chỉ có 2 tháng, 12/2011 và 2/2012 là có giá chào thấp hơn so với giá đã ký trong hợp đồng, ở mức tương ứng là 33 tỷ đồng và 103 tỷ đồng.

Và theo thống kê, trong 10 tháng qua, nếu thanh toán tiền mua bán điện theo bản chào bán điện của các đơn vị theo giá thị trường, EVN phải trả lượng tiền cao hơn 1.178 tỷ đồng so với mức giá điện mua theo hợp đồng.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thông tin thêm, kế hoạch vận hành thị trường phát điện canh tranh vào ngày 1/7/2012 sẽ không thay đổi tiến độ.

Còn theo lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương, khi vận hành chính thức thị trường điện cạnh tranh sẽ giảm bớt độc quyền của ngành điện và giá điện có thể lên hoặc xuống theo quy luật cung cầu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh phải được thực hiện từ tháng 7/2011, thậm chí sớm hơn là từ năm 2009. Tuy nhiên, do các đơn vị liên quan không kịp hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện cần thiết khiến chỉ đạo này đã phải lùi lại vào tháng 7/2012.

Cùng với việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu ngành điện từ tháng 3/2011, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Hội đồng Điều tiết điện lực quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong quý 4/2011. Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn dở dang.

Theo phê duyệt của Thủ tướng, thị trường điện Việt Nam dự kiến sẽ được phát triển theo 3 cấp độ, trong đó cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014), cấp độ 2 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 - 2022) và cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022).