Tăng cường quan hệ song phương Việt Nam - Thuỵ Điển
Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg thăm Hà Nội từ ngày 9-11/6/2022 và gặp gỡ giới trẻ, các nhà nghiên cứu, đại diện chính phủ tại Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV)…
Với mục đích tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam, trong chuyến thăm của mình, Thứ trưởng Rydberg sẽ tham vấn song phương với người đồng cấp Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm.
Ông Robert Rydberg cũng sẽ gặp gỡ giới trẻ Việt Nam, các nhà nghiên cứu, đại diện chính phủ, chuyên gia tại Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV). Buổi trao đổi tập trung vào những vấn đề như: chính sách của Thụy Điển, tình hình an ninh Thụy Điển và châu Âu cũng như mối quan hệ Thụy Điển Việt Nam trong tương lai.
Đây cũng là dịp kỷ niệm 40 năm khánh thành Nhà máy Giấy Bãi Bằng (1982 - 2022, nay là Tổng Công ty Giấy Việt Nam – VINAPACO). Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển đã tới thăm và có buổi gặp mặt trực tiếp với ban lãnh đạo và đại diện những người lao động đang làm việc tại nhà máy. Nhà máy được xem là biểu tượng lớn nhất và nổi bật nhất, thành quả của mối quan hệ hợp tác phát triển Thụy Điển Việt Nam xuyên suốt thời gian. Cũng trong chuyến thăm này, đoàn sẽ tìm hiểu các triển vọng hợp tác trong việc lồng ghép đối thoại tại nơi làm việc.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg sẽ đến chào xã giao ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; gặp các chuyên gia tư vấn, nhà kinh tế, và những gương mặt đóng góp tích cực vào sự thay đổi ở Việt Nam và kết thúc chuyến thăm bằng buổi nói chuyện với toàn thể cán bộ đang công tác tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội.
Thứ trưởng Rydberg nhấn mạnh Thụy Điển mong muốn làm việc với Việt Nam và các quốc gia khác để thúc đẩy tôn trọng Luật pháp Quốc tế và việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên Luật pháp Quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ở tất cả mọi nơi trên thế giới.
Dịp này, ông Robert Rydberg đánh giá cao việc Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine thông qua cam kết đưa ra tại hội nghị các nhà tài trợ do Thụy Điển-Ba Lan đồng tổ chức ở Warsaw đầu tháng 5 vừa qua.
Hiện đã có hơn 60 công ty Thụy Điển có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp và đối tác Việt Nam cùng hiện thực mục tiêu đổi mới sáng tạo; ứng dụng các giải pháp, công nghệ và sản phẩm mang tính bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… Những thương hiệu Thụy Điển được biết đến nhiều, gồm có: ABB, Astra Zeneca, Atlas Copco, Electrolux, Ericsson, H&M, Hestra Gloves, IKEA, Oriflame, SKF, Tetra Pak, Volvo Buses, Volvo Cars…
Thương mại song phương giữa Thụy Điển và Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,5 tỷ USD.
Trong 53 năm qua, Thụy Điển và Việt Nam đã và vẫn là những người bạn tốt và đối tác tin cậy. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất vào ngày 11/1/1969, vào thời điểm khi Việt Nam vẫn còn bị chiến tranh chia cắt, Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.