12:45 09/10/2007

Tăng học phí đại học: “Đã sẵn sàng cho sinh viên vay vốn”

Lý Hà

Phỏng vấn ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sinh viên Đại học Kinh tế Tp.HCM đóng học phí qua chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: TT.
Sinh viên Đại học Kinh tế Tp.HCM đóng học phí qua chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: TT.
Phỏng vấn ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thưa Phó thủ tướng, giải pháp mà ngành giáo dục đang thực hiện để nếu tăng học phí bậc đại học không trở thành một cú “sốc” đối với sinh viên phải chăng là việc triển khai quyết liệt chương trình cho sinh viên nghèo vay vốn đi học?

Kể từ ngày 6/10, tất cả các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện việc cho sinh viên nghèo vay vốn học đại học, cao đẳng và dạy nghề theo Quyết định 157/TTg, cũng như vốn để cho vay đã đầy đủ và sẵn sàng thực hiện được ngay. Với mức cho vay vốn học đại học, cao đẳng tối đa 800 ngàn đồng/sinh viên/tháng, không thể có chuyện sinh viên vì nghèo mà không được đi học đại học, cao đẳng, dạy nghề.

Thủ tướng vừa quyết định cấp bổ sung 500 tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội và quyết định sẽ phát hành trái phiếu để huy động tiếp 2.000 tỷ đồng dành cho ngân hàng làm vốn cho học sinh, sinh viên vay đi học.

Tuy nhiên, theo nhận xét của không ít sinh viên thì thường thủ tục vay vốn rất rườm rà và họ rất ngại khi nghĩ đến chuyện vay vốn để đi học, thưa Phó thủ tướng?

Ở đâu có khó khăn, báo chí phản ánh chúng tôi sẽ chỉ đạo tháo gỡ ngay. Nếu khó khăn nữa thì gửi e-mail lên ngân hàng chính sách xã hội, lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ giải quyết.

Khi quyết định chọn bậc đại học làm “phát súng” mở màn cho lộ trình tăng học phí, ngành giáo dục đã có những “tính toán” thế nào?

Đối với giáo dục đại học, hiện ngân sách của bậc học này chiếm 16,2% ngân sách dành cho giáo dục, chỉ bằng hơn một nửa so với kinh phí dành cho bậc tiểu học. Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế cần có nhân lực trình độ cao nhưng chi cho toàn bộ bậc đại học gồm 1,4 triệu sinh viên chỉ bằng hơn phân nửa so với chi cho giáo dục tiểu học (27,4%).

Hiện nay, học phí đại học của chúng ta cao nhất là 180.000 đồng/tháng, tức khoảng 150 USD/năm, đó là một trong các mức học phí thấp nhất thế giới, trong khi ở Mỹ, ở Anh, đa số từ 10.000 USD – 15.000 USD/năm, điều đó có nghĩa 1 sinh viên họ đóng học phí 1 năm, bằng 1 sinh viên ta đóng 60 tới 100 năm, ở các trường nổi tiếng có thể tới 25.000 USD/năm, tức gấp chúng ta 160 lần.

Với mức đầu tư thấp như vậy không thể nâng đáng kể chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo.

Và như vậy là đang dần đến thời điểm mà học phí đại học không thể không tăng?

Chúng tôi có làm việc với một trường cao đẳng ở Nghệ An hợp tác với Hàn Quốc, mức học phí sinh viên phải đóng mỗi tháng là 100.000 đồng nhưng UBND tỉnh phải bù 400.000 đồng/tháng/sinh viên. Nhưng tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm với thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên. Học phí thật để đào tạo sinh viên cao đẳng làm nghề được là phải 500.000 đồng/tháng (gấp 2,5 lần học phí đại học hiện nay).

Vì vậy, không tăng học phí đại học thì không thể có chất lượng như mong muốn.

Nhưng, tâm lý chung của người dân Việt Nam thì chỉ cần nói đến “tăng” là họ thấy sợ, nhất là khi thu nhập của phần đông dân chúng mới chỉ ở mức tương đối thấp?

Nếu tính học phí đại học cũng dựa vào thu nhập của người dân thì sẽ rơi vào vòng bế tắc, luẩn quẩn: nước nghèo nên ngân sách cho giáo dục ít, người dân thu nhập thấp nên khả năng đóng học phí thấp, do đó chi cho đào tạo ít. Hệ quả là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên kém nên chất lượng đại học thấp, quy mô nhỏ.

Nếu cứ thế thì những người ra trường với chất lượng đào tạo thấp làm việc hiệu quả không cao, nền kinh tế lại chậm phát triển, đất nước tiếp tục nghèo.

Vậy theo Bộ trưởng, học phí đại học tăng sẽ là lối thoát để thoát khỏi vòng bế tắc luẩn quẩn trong đào tạo nhân lực của chúng ta?

Tăng học phí là một đột phá trong tài chính cho giáo dục đại học, thay vì trả học phí thấp theo mức thu nhập hiện tại của quốc gia và người dân thì chúng ta phải trả học phí ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đa số người ra trường phải có việc làm và thu nhập khá.

Mức thu nhập này cho phép trả lại số tiền đã vay để trả học phí trước đó. Tức là lấy thu nhập của tương lai cao hơn rất nhiều so với học phí hiện tại để trả học phí ở mức có chất lượng đào tạo cao.

Đối với bậc đại học, nếu không tăng học phí thì không thể giải quyết được vấn đề chất lượng.