10:31 29/07/2009

Tăng mạnh mức phạt tối đa với vi phạm trong xây dựng

Hạnh Liên

Mức phạt cao nhất đối với các vi phạm trong hoạt động xây dựng có thể lên tới 500 triệu đồng, thay vì mức 70 triệu đồng trước đó

Thông tư siết chặt hơn việc quản lý hoạt động xây dựng.
Thông tư siết chặt hơn việc quản lý hoạt động xây dựng.
Mức phạt cao nhất đối với các vi phạm trong hoạt động xây dựng có thể lên tới 500 triệu đồng, thay vì mức 70 triệu đồng trước đó.

Đó là một nội dung đáng chú ý trong thông tư quy định một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, vừa được Bộ Xây dựng ban hành.

Theo nội dung thông tư, nhiều loại hình vi phạm đã được xác định, như thay đổi vị trí xây dựng công trình; sai cốt nền xây dựng công trình; vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; sai diện tích xây dựng (tầng một); chiều cao công trình vượt quá chiều cao được quy định trong giấy phép xây dựng; xây dựng vượt quá số tầng quy định trong giấy phép xây dựng; vi phạm những quy định về quản lý kiến trúc đô thị (đối với những khu vực đã có thiết kế đô thị được duyệt).

Với vi phạm này, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; từ 5 - 10 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; từ 20 - 30 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác ở nông thôn và đô thị.

Một số loại hình vi phạm khác cũng được thông tư đề cập, như công trình xây dựng sai thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định như thay đổi kết cấu chịu lực chính, kiến trúc mặt đứng công trình; vượt quá chiều cao tối đa được duyệt; thay đổi mục đích sử dụng ban đầu được duyệt; sai mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất so với thiết kế được thẩm định, phê duyệt hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt.
 
Nếu vi phạm, chủ đầu tư và nhà thầu mỗi bên phải chịu phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư tổ chức thi công, mức phạt tương tự đối với đối với nhà thầu thi công xây dựng sai thiết kế được thẩm định, phê duyệt; xây dựng sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng.

Nếu sau khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư, nhà thầu vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt mỗi bên từ 300 triệu đồng đối với công trình xây dựng vi phạm là nhà ở riêng lẻ đô thị và công trình xây dựng khác không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình đến 500 triệu đồng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).

Trong trường hợp cá nhân hoạt động vượt quá điều kiện năng lực hành nghề hoặc hoạt động sai chứng chỉ hành nghề, gây sự cố công trình, thì bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề không thời hạn.

Thông tư cũng quy định sẽ tước quyền kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thành lập và hoạt động sàn giao dịch bất động sản (theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) thuộc một trong các trường hợp như: không có tên, biển hiệu giao dịch ổn định trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không gửi hồ sơ thông báo cho sở xây dựng nơi lập sàn biết trước khi hoạt động; lập sàn không đảm bảo đủ diện tích theo quy định; người quản lý, điều hành sàn không có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về quản lý sàn giao dịch bất động sản theo quy định; không đủ số người có chứng chỉ theo quy định, không có quy chế hoạt động hoặc có nhưng không đủ nội dung.