16:41 14/08/2013

Tăng thuế tài nguyên và tiếng nói từ doanh nghiệp

Hoài Ngân

Việt Nam đã rớt xuống gần cuối bảng xếp hạng về độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản

Toàn cảnh nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu.<br>
Toàn cảnh nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu.<br>
Tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp chính thức để thảo luận về đề xuất tăng thuế tài nguyên từ Bộ Tài chính.

Việt Nam không phải là quốc gia nhiều vàng khoáng sản, tuy nhiên thuế tài nguyên đối với vàng đang thuộc loại cao trên thế giới. Với mức dự kiến áp là 25%, thuế tài nguyên đối với khoáng sản vàng của Việt Nam sẽ nằm ở mức cao nhất thế giới.

Thực tế này khiến các công ty khoáng sản nói chung, công ty khai thác vàng nói riêng sẽ phải đắn đo trước quyết định đầu tư. Nếu như một vài năm trước đây, các công ty khai thác mỏ tích cực theo đuổi các cơ hội đầu tư mà không mấy quan tâm đến chính sách tài khóa được áp dụng thì hiện nay họ đã thận trọng hơn nhiều.

Besra Gold Inc. (Canada) là một tập đoàn niêm yết đại chúng chuyên về hoạt động khai thác, thăm dò và chế biến vàng cũng như các kim loại quý khác. Hoạt động chính của Besra là ở Việt Nam, thông qua việc nắm giữ 85% vốn điều lệ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (PSGC) và 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (BMGMC).

Đại diện của Besra cho hay nếu đề xuất tăng thuế suất thuế tài nguyên được áp dụng, theo đó thuế suất thuế tài nguyên tăng từ 15% đến 25%, PSGC và BMGMC sẽ “bị buộc phải cân nhắc ngừng hoạt động và điều này sẽ kéo theo khá nhiều hệ lụy”.

Trong khi PSGC đang đóng thuế tài nguyên là 15% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 40%, mức tương ứng ở Indonesia là 3,25% và 25%; ở Lào là 5% và 28%; Đông Malaysia thậm chí không thu thuế tài nguyên mà chỉ thu thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%... "Thuế suất thuế tài nguyên 15% đang được áp dụng cho PSGC là mức cao nhất đang được áp dụng trên thế giới cho một nhà sản xuất vàng, và việc nâng lên mức 25% sẽ là một mức hoàn toàn không hợp lý khi so sánh với các nước khác", đại diện của Besra cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, tháng 6/2013, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ, nhóm công tác khoáng sản thuộc Diễn đàn đã đưa ra một bản kiến nghị liên quan đến vấn đề chính sách thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Việt Nam. Nhóm cho rằng khác với phần lớn các nước láng giềng ASEAN, hiện có ít công ty khai thác khoáng sản tầm quốc tế nào hoạt động tại Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân chính là do thuế cao.

Một khảo sát được công bố gần đây cho hay trong số 96 nước được xếp hạng, Việt Nam xếp tận thứ 95 về độ hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản, sau khi tụt hạng từ vị trí 55 xuống 84 và 95 trong vòng ba năm qua.

Nhóm công tác khoáng sản cũng cho biết hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò và khai khoáng tại Việt Nam phải chịu 12 loại thuế, phí và lệ phí khác nhau. "Đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản là một cam kết lâu dài với vốn đầu tư lớn và rủi ro cao. Với các mức thuế suất, các khoản phí và lệ phí hiện tại cùng mức lệ phí mới đang được kiến nghị, các hoạt động khai khoáng tại Việt Nam sẽ khó có thể tạo được lợi nhuận”, báo cáo của nhóm này viết.

Trong bức thư vừa được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Besra, ông David Seton cho hay khi Besra mới đầu tư vào Bồng Miêu, thuế tài nguyên - được xem như là cơ sở đầu tư - lúc đó là 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 18%. Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài quy định khuyến khích đầu tư vào các dự án công nghệ cao và ở các khu vực miền núi, giấy phép đầu tư của Phước Sơn lại được cấp quy định thuế tài nguyên là 6% và thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất là 40%.

"Các kiến nghị điều chỉnh giảm thuế của chúng tôi đều bị từ chối. Sau đó, thuế tài nguyên tăng lên 9%, rồi 15% và cách tính thuế cũng bị thay đổi theo hướng bất lợi đối với chúng tôi. Nhờ giá vàng và hàm lượng vàng trong quặng ở mức cao nên chúng tôi đã có thể xoay sở thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên và các loại thuế khác và tồn tại đến thời điểm này”, thư viết.

Ông Lê Minh Kha, tổng giám đốc của các công ty PSGC và BMGMC cho biết hiện các công ty này đang đứng dưới áp lực tăng thuế liên tục của nhà nước. Trong tình hình giá vàng thế giới giảm,  kinh tế tài chính khó khăn, với mức thuế suất tài nguyên 15% đang áp dụng đã là khó khăn thì việc tăng thuế lên 25% thực sự buộc Besra, PSGC và BMGMC phải cân nhắc việc tạm ngừng sản suất.

Ông Kha cũng cho biết, tính đến tháng 2/2013, số tiền mà Besra đóng góp vào ngân sách nhà nước là 731 tỷ đồng. Công ty cũng đã giải quyết việc làm cho 1.600 lao động. Vì vậy, trong hoàn cảnh tình hình kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp tràn lan như hiện nay thì những tổn thất khi Besra ngừng hoạt động lá "rất đáng kể".