13:18 10/12/2024

Tăng tốc nâng cao nhận thức doanh nghiệp về thị trường carbon

Vũ Khuê

Từ năm 2028 là thời điểm chính thức vận hành thị trường carbon tại Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần hiểu rõ về nguyên tắc hoạt động, biết mình đang ở đâu… để triển khai thực hiện...

Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), tính riêng năm 2022, ngành thép tạo ra mức phát thải tương đương với 3,5 tỷ tấn khí carbon, chiếm khoảng 7-8% tổng lượng khí nhà kính phát sinh toàn cầu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), tính riêng năm 2022, ngành thép tạo ra mức phát thải tương đương với 3,5 tỷ tấn khí carbon, chiếm khoảng 7-8% tổng lượng khí nhà kính phát sinh toàn cầu.

Khảo sát về nhận thức và nhu cầu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp để tham gia ETS (hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải) của Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) từ tháng 11 – 12/2023, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về ETS và thị trường carbon còn quá ít.

Theo đó, 53,16% có nghe qua về ETS và thị trường carbon, nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản; 26,16% có biết qua về nguyên tắc hoạt động cơ bản nhưng không hiểu được sự khác nhau giữa ETS và thị trường carbon; 16,03% không hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động; 3,38% hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động cũng như sự khác nhau giữa chúng; chỉ 1,27% hiểu rõ cách ETS và thị trường carbon hoạt động, sự khác nhau cũng như tương tác của chúng trên sàn giao dịch carbon.

NHẬN THỨC CỦA DOANH NGHIỆP TĂNG RÕ SAU ĐÀO TẠO

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 32,07% doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính (trong đó 68,42% tự làm, 31,58% thuê bên thứ 3 làm), 67,93% chưa thực hiện kiểm kê. 27,85% doanh nghiệp có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, 14,77% chưa có và 57,38% đang chuẩn bị xây dựng.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành VNEEC, cho rằng sự hiểu biết của doanh nghiệp về ETS chưa cao, do đó doanh nghiệp cần quan tâm tham gia các khóa đào tạo về vấn đề này.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành VNEEC chia sẻ tại một khóa đào tạo về ETS.
Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành VNEEC chia sẻ tại một khóa đào tạo về ETS.

Thời gian qua, VNEEC đã tổ chức nhiều khoá đào tạo cho doanh nghiệp về ETS. Sau quá trình đào tạo, nhận thức của doanh nghiệp về ETS đã được nâng lên nhiều.

Đơn cử, khi chưa tham gia khoá đào tạo, chỉ có 9,02% doanh nghiệp nhận thức được sự khác biệt cơ bản giữa ETS, thị trường carbon tự nguyện, thị trường carbon tuân thủ và thuế carbon, nhưng sau khoá đào tạo con số này đã nâng lên 61,44%.

Tương tự, mức độ nhận thức của các công ty về bù trừ và hạn ngạch phát thải chỉ là 14,48%, thì sau đào nâng lên 77,12%. 11,75% doanh nghiệp nhận thức được mục đích của chiến lược quản lý danh mục carbon, con số này sau khoá đào tạo đã tăng lên 50,65%.

Do đó, bà Hạnh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường tham gia khóa đào tạo về ETS và thị trường carbon. Khoá đào tạo này là một phần trong hỗ trợ của Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) hướng đến phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, phối hợp với Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương trình đào tạo sẽ ưu tiên các doanh nghiệp có phát thải lớn và thuộc các ngành phát thải sẽ phải tham gia ETS thí điểm (2026 – 2027) và tham gia ETS khi vận hành đầy đủ (kể từ 2028). Chương trình cũng sẽ mở rộng đào tạo cho các đơn vị có mức phát thải thấp hơn tham dự. Đồng thời ưu tiên các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy sự sôi động thị trường trong ETS với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp

VIỆT NAM ĐÃ CÓ 150 DỰ ÁN ĐƯỢC CẤP 40,2 TRIỆU TÍN CHỈ CARBON

Phát biểu tại buổi khai mạc “Khóa đào tạo về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon” ngày 9-10/12, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài giải pháp chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng và áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải (như kinh tế tuần hoàn, công nghệ phát thải carbon thấp), nhiều quốc gia còn áp dụng công cụ định giá carbon.

Công cụ định giá carbon phổ biến được áp dụng là thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS), cơ chế tín chỉ carbon.

Đến nay, trên thế giới có khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng khoảng 110 công cụ định giá carbon. Tính riêng trong năm 2024, các công cụ định giá carbon này đã kiểm soát hơn 12,8 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 24% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Ông Quang cho hay Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá carbon. Cụ thể, thị trường carbon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khi thị trường carbon tuân thủ trong nước mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013...

Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới. Việt Nam cũng là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ). Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

Để thiết lập và vận hành thị trường carbon trong nước, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon tại Điều 139 và quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Chính phủ đã ban hành lộ trình triển khai thị trường carbon tuân thủ trong nước tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP với mục tiêu quan trọng là thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, xác định rõ các đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đó là các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, cơ sở sản xuất xi măng thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cập nhật hai năm một lần.

Song song việc tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, theo ông Quang, việc hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về thị trường carbon là hoạt động rất quan trọng và cần thiết.