09:04 03/12/2007

Tăng trợ cấp 20% cho hơn 3 triệu người

Lý Hà

Theo ý kiến của nhiều cán bộ về hưu thì việc tăng lương, trợ cấp không cải thiện được cuộc sống vì giá cả tăng quá nhanh

Theo ý kiến của khá nhiều cán bộ về hưu thì việc tăng lương, trợ cấp không cải thiện được cuộc sống vì giá cả tăng quá nhanh.
Theo ý kiến của khá nhiều cán bộ về hưu thì việc tăng lương, trợ cấp không cải thiện được cuộc sống vì giá cả tăng quá nhanh.
Từ ngày 1/1/2008, khoảng 1,8 triệu người về hưu, người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và hơn 1,5 triệu người có công sẽ được điều chỉnh trợ cấp lên 20% so với mức chuẩn hiện hành 470.000 đồng/tháng.

Đó là nội dung chính của Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Thủ tướng.

4 năm, 5 lần điều chỉnh

Đối tượng được điều chỉnh theo dự thảo Nghị định bao gồm: cán bộ công chức, công nhân, viên chức và người lao động, làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ, đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐTTg ngày 4/8/2000 và công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc cũng nằm trong điều chỉnh của dự thảo Nghị định.

Theo dự thảo, chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công sẽ là 560.000 đồng/tháng. Mức này được áp dụng đối với thân nhân của một liệt sĩ, người chăm sóc, thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Trường hợp thân nhân của hai liệt sĩ trở lên, cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng và thương bệnh binh (tùy mức độ thương tật) sẽ hưởng mức trợ cấp cao hơn. Hiện nay, người có công với cách mạng hưởng mức trợ cấp áp dụng từ ngày 1/1/2007 với mức chuẩn 470.000 đồng/tháng.

Tính chung trong 4 năm (2003-2006) và qua 5 lần điều chỉnh, tuỳ thuộc vào mức lương trước khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu, lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng từ 164,8% đến 228,8%. Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, cán bộ già yếu nghỉ việc và công nhân cao su hưởng trợ cấp hàng tháng cũng được điều chỉnh với mức tăng chung cả giai đoạn là 185,3%.

Lương tăng không đuổi kịp giá

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc điều chỉnh lương hưu trong năm 2008 và trong các năm sau được thực hiện trên cơ sở mức tăng giá của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế; mức điều chỉnh cụ thể do Chính phủ quy định.

Theo đó, lương hưu của người nghỉ hưu được điều chỉnh theo hướng từng bước nâng dần mức lương hưu phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và độc lập tương đối với chính sách tiền lương, tách dần với việc điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung.

Theo ông Tân, chính vì thế, sẽ có giai đoạn mức lương tối thiểu không điều chỉnh nhưng lương hưu của người nghỉ hưu vẫn có thể được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế, thời điểm điều chỉnh được xác định dựa trên khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, mức sinh lời và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Trước đó, ngày 16/11/2007, Chính phủ đã ban hành ba nghị định 166,167,168 về lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng. Theo đó, từ đầu năm 2008, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp của nhà nước sẽ hưởng lương tối thiểu chung là 540.000 đồng/tháng.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ về hưu thì việc tăng lương, trợ cấp không cải thiện được cuộc sống vì giá cả tăng quá nhanh.

Công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng ở mức kỷ lục là 1,23% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9,45% so với tháng 12 năm ngoái. Các chuyên gia dự báo, chỉ số giá tiêu dùng năm nay có thể tăng ở mức hai con số, vượt xa so với mục tiêu đặt ra là tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP (dự kiến là 8,5%)

Dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ phải dành khoảng 28.500 tỷ đồng để điều chỉnh lương đối với khu vực hành chính sự nghiệp, người về hưu và người có công với cách mạng.