09:42 04/06/2008

“Tăng trưởng 7% hoàn toàn có thể đạt được”

Thuỳ Linh

“Liệu chúng tôi có lạc quan quá không? Đúng là có lạc quan vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng”

Ông Martin Rama, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam.
Ông Martin Rama, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam.
“Liệu chúng tôi có lạc quan quá không? Đúng là có lạc quan vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng.”

Ông Martin Rama, quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói như vậy tại cuộc họp báo do WB tổ chức trước thềm Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ (CG) diễn ra tại Sapa, Lào Cai trong hai ngày 5/6 và 6/6.

Ông đánh giá thế nào về số dự trữ, dư nợ của Việt Nam 5 tháng đầu năm nay?

Quan sát từ Kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm của Việt Nam có thể nhận thấy nợ quốc gia không phải là vấn đề lớn. Hơn nữa, Việt Nam có chính sách vĩ mô cũng như chính sách tài khóa tốt và dự trữ ngoại tệ tương đối thì nợ không là vấn đề.

Liên quan đến dự trữ ngoại tệ, đây cũng là một thông điệp tới Chính phủ Việt Nam: cần minh bạch thông tin nhiều hơn về vấn đề này để người dân và các tổ chức nước ngoài hiểu rõ được dư nợ hay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Dường như ở Việt Nam, dự trữ quốc gia có gì đó là bí mật, một số báo cáo ngại dự báo dự trữ.

Ông dự báo như thế nào về lạm phát của Việt Nam, nhập siêu từ giờ đến cuối năm?

Với bối cảnh lạm phát hiện nay, chúng tôi dự báo một số điểm về cân đối xuất nhập khấu. Chúng tôi dự đoán với tỉ lệ nhập siêu khoảng 35% thì vẫn có thể ổn định thị trường rồi. Tình hình lạm phát, đặc biệt với giá lương thực tăng cao hiện nay thì khó tránh khỏi. Chúng tôi cho rằng Chính phủ phải lưu tâm tới các mặt hàng phi lương thực, tránh để tăng giá cao.

Theo ông, Việt Nam cần có hành động trong chính sách và tỷ giá như thế nào?

Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh của VND, khi tỷ giá VND và USD tăng thì nhập khẩu đắt đỏ hơn. Từ cuối năm 2007, Việt Nam nhận được nhiều tiền từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn FDI, nguồn ODA nên chịu áp lực để giá trị VND giảm.

Cuối năm trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên giữ giá trị VND để khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp đã xảy ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm ngoái thu về 10 tỷ USD dự trữ.

Trong năm 2008 tình hình chắc chắn không như năm 2007. Hiện nhu cầu đầu tư của Việt Nam lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện cần nhiều vốn để sản xuất kinh doanh phục vụ cho xuất khẩu. Trước kia tỷ giá giữa VND và USD rất ổn định thì xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng. Nhưng hiện nay lạm phát đã tăng lên tới 25%, chắc chắn có ảnh hưởng đến tỉ giá và qua đó là xuất nhập khẩu.

Trước tình hình đó, Chính phủ cần có những hành động để ứng phó. Ngân hàng Nhà nước có thể mua và bán ngoại tệ theo tỷ giá công bố. Nếu nới rộng biên độ cho tỷ giá giao dịch mua bán ngoại tệ thì VND hiện sẽ giảm một chút. Với mặt lãi suất hiện nay, nhiều người tập trung hơn đầu tư vào tiền đồng, theo tôi, cũng là tốt.

Có một lý do nữa là Việt Nam phải nâng cao tính linh hoạt để bước vào nền kinh tế thị trường. Ở mức độ cao hơn, dường như Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt. Hiện nay vẫn còn tình trạng thu nhập bằng đồng tiền này, tiêu bằng đồng tiền khác.

Như vậy chắc chắn có những hệ quả nhất định từ sự bất cập của việc sử dụng hai loại đồng tiền trên thực tế. Cách đây 10 năm, chính các nước châu Á cũng gặp trường hợp tương tự. Khi đó để xảy ra tình trạng khi mua thì bằng USD, còn bán thì bằng đồng nội tệ thì điều đó có thể đem lại hậu quả rất xấu.

Ông có kiến nghị gì cho chính sách tỉ giá của Việt Nam?

Chính sách bình ổn của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy tích cực, tuy nhiên sẽ có độ trễ thời gian nhất định. Chính vì vậy cần kiên nhẫn và tiếp tục.

Ngoài ra chúng tôi cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát tín dụng. Chính phủ không chỉ chú ý đến các chính sách tài chính mà còn phải chú ý tới chính sách tài khóa, đặc biệt chú ý đến các đề án, dự án đầu tư công của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Liệu chúng tôi có lạc quan quá không? Đúng là có lạc quan vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng. Con tàu đang chạy không thể dừng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chạy tốt. Vì có đà tốt nên kinh tế vẫn tăng trưởng, không giảm nhiều. Theo tôi, tăng trưởng kinh tế 7% là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể hơn.

Chúng tôi không lạc quan quá, vì phân tích các yếu tố khác nhau trong 5 năm qua là như vậy. Dự đoán tình hình là tốt. Chúng tôi có đánh giá lạc quan về trung hạn trên cơ sở có nhiều nỗ lực, chính sách của Chính phủ, đặc biệt phải thực hiện tốt về kiềm chế lạm phát.