Tăng trưởng dựa trên công nghệ, cần lưu tâm "chủ nghĩa tư bản giám sát" từ Google, Facebook, TikTok
Đây là kiến nghị được đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đưa ra tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch và ngân sách nhà nước chiều 8/11...
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh, những khó khăn thách thức truyền thống và phi truyền thống trong dài hạn đã dần hiển hiện đang đặt ra áp lực tìm thêm động lực tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình trong bối cảnh già hóa dân số, biến đổi khí hậu... Trong đó, chuyển đổi số để hình thành một xã hội số nổi lên là một động lực tăng trưởng mới, trở thành một công cụ đắc lực cho quản trị quốc gia.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc làm sao để quá trình chuyển đổi số này không chỉ đảm bảo hiệu quả trong quản trị quốc gia mà còn đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị và an ninh kinh tế.
"Các nền tảng như Google, Facebook và gần đây là TikTok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp hành vi người dùng, mà các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên đáng sợ 'Chủ nghĩa tư bản giám sát'", đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu vấn đề.
Theo đại biểu, nhất cử nhất động hành vi của người dùng đều bị các nền tảng "được gắn mác miễn phí" và nhiều thiết bị với lỗ hổng bảo mật theo dõi.
"Từ các thao tác tưởng chừng như vô hại trên Google, Facebook, TikTok, hay nhấn like, share, thả tim lên các dòng trạng thái, tin nhắn, cuộc gọi, kỳ thực người dùng đã tự phơi bày những gì riêng tư nhất trước thanh thiên bạch nhật. Bởi hành vi theo dõi, phân tích hết sức tinh vi của tư bản giám sát tới từng tầng nhận thức của người dùng", đại biểu đoàn Bình Dương phân tích.
"Khi có được dữ liệu hành vi, thói quen, sở thích, giấc ngủ, đến từng nhịp tim hay bước chân, các nền tảng sẽ 'đóng gói' các kiện thông tin trên và bán cho các nhà sản xuất và quảng cáo, qua đó định hướng hành vi bằng những gợi ý xem, nghe, đọc, mua sắm, hình thành một thị trường hành vi mà ở đó, các nền tảng không chỉ hiểu người dùng hơn chính họ, mà còn can thiệp, điều chỉnh hành vi để người dùng dần đi theo ý đồ của nó".
Đại biểu nhấn mạnh, không dừng lại ở việc "xâm lăng miền tâm thức thiêng liêng của con người bởi các thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo), các nền tảng còn nhóm những người có cùng hành vi, sở thích và nhóm những người này với nhau. Hệ lụy là những tác động về chính trị với phong trào Mùa xuân Ả Rập là một điển hình.
"Với những gì đã và đang diễn ra, các diễn dàn quốc tế lo ngại cho sự thay đổi quyền lực nhà nước khi thông tin hành vi và định hướng hành vi của công dân - cũng chính là tư liệu quản trị quốc gia - lại nằm trong tay các nhà tư bản này", đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu rõ.
Dựa trên những phân tích trên, đại biểu doàn Bình Dương băn khoăn về việc liệu tăng trưởng GDP từ kinh tế số liệu có dễ dàng không, khi mà an ninh phi truyền thống vẫn còn là một ẩn số và các quốc gia không làm chủ được những nền tảng này.
Theo đại biểu, để giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã được nêu rõ tại Đại hội XIII, việc tập trung sửa đổi luật an ninh mạng, luật an toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ thông tin hoặc quyền riêng tư chỉ là bước đầu.
Đại biểu kiến nghị phải khẩn trương định hình thể chế để quản lý công dân trên xã hội số giống như với quản lý trong xã hội thực.
"Quản trị quốc gia gắn liền với chuyển đổi số sẽ không thể mang hết ích lợi và hiệu quả cho nhà nước và người dân, không thể trở thành một động lực mới của tăng trưởng nếu chúng ta không có những ứng phó kịp thời trước các nền tảng mà mục đích của chúng được chủ nghĩa tư bản tô vẽ bằng những mỹ từ như 'kết nối và chia sẻ toàn cầu'", đại biểu Phạm Trọng nhân cảnh báo.