16:34 18/11/2011

Tăng vốn thời “chứng” khó: Chọc giận cổ đông?

Khánh Hà

Giá cổ phiếu đang lẹt đẹt vài ngàn đồng, doanh nghiệp lại tung tin tăng vốn khủng, giá cao chẳng khác nào chọc giận cổ đông

Khó trách nhà đầu tư nổi cáu khi doanh nghiệp ép bán cổ phiếu cho họ với giá "cắt cổ" so với giá đang giao dịch trên thị trường.
Khó trách nhà đầu tư nổi cáu khi doanh nghiệp ép bán cổ phiếu cho họ với giá "cắt cổ" so với giá đang giao dịch trên thị trường.
Giá cổ phiếu đang lẹt đẹt vài ngàn đồng, doanh nghiệp lại tung tin tăng vốn khủng, giá cao chẳng khác nào chọc giận cổ đông.

Nhà đầu tư đang nắm giữ PVX tỏ ra giận dữ khi hôm qua, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí Việt Nam (PVX) công bố thông tin sẽ tăng gấp đôi vốn hiện có, từ 2.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Theo giấy phép cấp ngày 17/11, PVX sẽ phát hành thêm 250 triệu cổ phiếu, trong đó 12,5 triệu cổ phiếu là trả cổ tức 2010. Đáng chú ý là 125 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông bằng mệnh giá. Ngoài ra, 12,5 triệu cổ phiếu được bán cho người lao động và 100 triệu cổ phiếu bán cho đối tác chiến lược giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu.

Kế hoạch phát hành này không mới, được đem ra bàn tại đại hội cổ đông hồi tháng 4 vừa qua. Mặc dù giá PVX lúc đó còn loanh quanh 14.000 đồng mà đã nổ ra trường tranh luận trong đại hội. Đại diện 6,62% vốn phản đối kế hoạch tăng vốn cũng đã tương đương trên 11 triệu cổ phần.

Hôm qua khi thông tin giấy phép phát hành thêm được công bố, giá PVX đóng cửa ở mức 9.400 đồng/cổ phiếu và hôm nay chỉ còn 9.200 đồng/cổ phiếu. Ngay lập tức cổ đông tỏ ra giận dữ trước thông tin nói trên, và coi việc công bố lúc này là quyết định “hồn nhiên” và “trơ trẽn”!

Vài ngày trước, một trường hợp tương tự là VCG thông báo chốt ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Theo đó ngày 22/11 tới sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền mua tỉ lệ 3:2 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hôm nay VCG đã rơi xuống mức 10.200 đồng/cổ phiếu.

Với chênh lệch hẹp như vậy, khó có thể nói việc phát hành này có ưu đãi gì. Thậm chí cổ đông có thể gặp rủi ro nếu giá giảm sâu hơn. Dĩ nhiên mọi chuyện còn phải chờ đến lúc kết thúc thời hạn nộp tiền, nếu “giá rổ” khá hơn thì biết đâu cổ đông vẫn đóng đủ?

Theo giới đầu tư, hiện doanh nghiệp có khá nhiều lợi thế khi ép cổ đông mua “giấy”. Quy định mới cho phép không điều chỉnh giá khi phát hành thêm nếu thị giá thấp hơn mệnh giá (trừ trả cổ tức). Do đó ngày chốt quyền giá dưới 10.000 đồng cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Ngoài ra, phát hành thêm chốt ngày cùng với quyền cổ tức, đương nhiên một lượng “giấy” được chuyển cho cổ đông.

THV là ví dụ mới nhất. Hôm 2/11 vừa qua, THV đã thông báo phát hành được 2,75 triệu cổ phiếu (thực ra ế 5 cổ). Đây là số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức và đương nhiên thành công. Ngoài ra 27,5 triệu cổ phiếu phát hành bằng cách bán cho cổ đông giá 10.000 đồng thì hơn chục ngày nữa mới có kết quả. Giá THV hiện chỉ còn 4.600 đồng/cổ phiếu, không biết có cổ đông nào bỏ ra 10.000 đồng để mua hay không.

Thực tế cơ hội phát hành thành công vẫn không phải là không có, nhưng phụ thuộc nhiều vào điện kiện thị trường. Nếu đến sát thời điểm nộp tiền, giá cổ phiếu lại tăng lên trên mệnh giá thì cổ đông vẫn có thể xem xét thực hiện quyền. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong hơn một năm qua vẫn tìm cách kéo dài thời gian nộp tiền. Hết thời gian quy định thì xin cơ quan quản lý gia hạn tiếp. Diễn biến thị trường èo uột như hiện tại thì cơ quan quản lý cũng không làm khó gì, nhất là khi quy định cũng cho phép.

Tuy nhiên biện pháp “câu giờ” như vậy nhiều lúc bị phá sản vì thị trường thậm chí còn xấu hơn nữa. Biến động thị trường là rất khó đoán và cả cơ quan quản lý cũng không thể cấp phép kéo dài mãi. PVA chẳng hạn, hôm 19/10 vừa qua là hạn cuối đóng tiền mua 50 triệu cổ phiếu phát hành thêm bằng mệnh giá, nhưng thị giá cũng chỉ loanh quanh trên 10.000 đồng/cổ phiếu một chút. PVA đã phải xin gia hạn đến 4/12/2011. Đến hôm nay PVA thậm chí còn rơi xuống mức 9.000 đồng. Không biết trong hơn một tháng tới, thị trường có ấm hơn không để PVA bán được cổ phiếu.

Quay lại trường hợp của PVX, ngoài việc bán cho cổ đông hiện hữu, doanh nghiệp này còn tính chuyện bán cho đối tác chiến lược 100 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cổ phiếu. THV, PVA cũng có kế hoạch tìm đối tác lớn để bán “cả cục”. Thực tế là nếu cổ đông lớn sẵn sàng mua với giá cao hơn mệnh giá và cao hơn nhiều thị giá trên sàn thì rất có thể sẽ tác động tốt đến cổ đông nhỏ lẻ. Đáng tiếc là việc bán cho cổ đông chiến lược lại thực hiện sau và không được công bố rõ ràng nên thị trường không thể biết được liệu tổ chức đầu tư có sẵn lòng trả giá cao hơn mặt bằng chung cho tiềm năng dài hạn của doanh nghiệp hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp nên có cái nhìn coi trọng cổ đông hơn khi quyết định vấn đề tăng vốn. Đành rằng kế hoạch tăng phải có từ trước, nhưng nếu dự kiến điều kiện thị trường xấu thì vẫn có thể lùi kế hoạch lại. Không ít doanh nghiệp đã hoãn dù kế hoạch chuẩn bị đã hoàn tất.

Hoặc giả, doanh nghiệp hãy tạo động lực cho cổ đông nhỏ lẻ bằng cách bán trước cho cổ đông lớn, vì đó là cách tốt nhất để chứng tỏ giá trị tiềm năng thực của doanh nghiệp. Đến tổ chức đầu tư dài hạn còn ngoảnh mặt thì cớ gì cổ đông nhỏ lẻ phải nhắm mắt để gắn bó với doanh nghiệp với cái thiệt quá lớn?