Tạo không gian thông thoáng cho doanh nghiệp “dễ thở”, phục hồi
Hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tìm các biện pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước… Đó là những giải pháp hữu hiệu để tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo...
Tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” mới đây, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới, để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ làm giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
VƯỚNG MẮC NHẤT LÀ THỂ CHẾ
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho rằng hơn hai năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khi vừa bắt tay vào phục hồi, ngay lập tức doanh nghiệp lại vướng những quy định mới phát sinh về phòng cháy chữa cháy. Khi khắc phục được công tác phòng cháy chữa cháy để trở lại sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lại tiếp tục gặp sự cố mất điện đột ngột và liên tục.
Tiếp đó, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên nhiên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, không ổn định. Đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu. Tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như gói hỗ trợ 2% hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, lùi thời gian trả lãi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng và tiếp cận rất ít. Nguyên nhân vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được.
Không những thế, hiện nay phần lớn doanh nghiệp đang phải đối mặt với những bất cập trong nội tại của nền kinh tế. Đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, xu thế cải cách hành chính có phần bị chững lại, khiến môi trường kinh doanh đầu tư xấu đi, điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt so với trước đây.
Gần đây, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, vì vậy đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh đã khó ngày càng khó khăn hơn.
“Đây được coi là “cơn bão ngầm” trong hành chính, làm trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến nhiều dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp mất hết cơ hội đầu tư ”, ông Cao Tiến Đoan nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng hiện nay bất động sản đang chững lại, kéo theo các ngành kinh tế liên quan cũng rất khó khăn. Chẳng hạn như ngành thép, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tiêu thụ thép giảm 20%. Tương tự, ngành xi măng giảm 10%... Số lượng dự án triển khai trong năm 2023 giảm cả về số lượng và quy mô. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nhà nước tăng 12,6% nhưng vốn tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực FDI tăng 3,8%.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của các chuyên gia, chủ yếu là khâu pháp lý vướng mắc không được giải quyết do thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật. Bất cập này chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Tương tự, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhận định những năm gần đây, ngành gỗ đã và đang gặp không ít khó khăn vướng mắc.
Thực tế cho thấy, sản lượng xuất khẩu của năm nay so với các năm trước giảm đáng kể do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó xuất phát từ việc thị trường Mỹ chiếm 55% tổng xuất khẩu, nhưng quốc gia này lại áp dụng rất nhiều phương pháp bảo hộ thương mại, khởi xướng nhiều cuộc điều tra gỗ dán và tủ bếp, nên dẫn đến hiện trạng xuất khẩu giảm.
Đặc biệt, so với các ngành khác thì yêu cầu về nguyên liệu gỗ ngày một cao, đặt ra rất nhiều rào cản về môi trường cũng khiến cho doanh nghiệp loay hoay.
THÁO GỠ NÚT THẮT TỪ CHÍNH SÁCH
Để gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho rằng Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt cho các doanh nghiệp. Chính phủ đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Tuy nhiên, theo ông Long có 2 vấn đề của chính sách hiện nay cần tập trung phân tích.
Thứ nhất, bản thân các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng với từng ngành nghề, đối tượng, chính sách chưa hẳn phù hợp thực tế. Bởi tất cả các cơ chế được ban hành, không phải cơ chế nào cũng phù hợp với tất cả các loại hình doanh nghiệp, với tất cả các địa phương.
Thứ hai, với chính các doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận chính sách, họ hấp thụ chính sách đến đâu? Điều này phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình vận hành trực tiếp các cơ chế chính sách.
“Doanh nghiệp cần có các kiến nghị cụ thể về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế, vì Chính phủ chỉ là “bà đỡ”. Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Đoan kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho những doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín, thương hiệu. Thực hiện nghiêm việc khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng Nghị quyết 50/CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, tránh tình trạng một số chi nhánh ngân hàng địa phương khi doanh nghiệp đến thực hiện giao dịch đều được trả lời là chưa được Hội sở chỉ đạo, hướng dẫn. Vì vậy, cần tăng cường chỉ đạo, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại các địa phương.
“Nếu ngân hàng Nhà nước tại các địa phương buông lỏng quản lý, sẽ tạo kẽ hở cho các ngân hàng thương mại cố tình câu giờ, gây khó khăn cho doanh nghiệp để hưởng lợi, đẩy doanh nghiệp nhảy nhóm tín dụng về nhóm xấu nguy cơ phá sản cao”, ông Đoan cảnh báo.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 - 2023 phát hành ngày 24 - 7 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam