15:14 16/09/2021

Tập đoàn GFS bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động

Thu Hà

Ngày 15/9/2021, trong khuôn khổ Hội nghị “Đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, Tập đoàn GFS đã trình bày bài tham luận ấn tượng của mình về “Sản xuất cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng”...

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn GFS, Viện phó Viện Công nghệ GFS trình bày tham luận trong Hội nghị.
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn GFS, Viện phó Viện Công nghệ GFS trình bày tham luận trong Hội nghị.

Nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước và cộng đồng, Viện Công nghệ GFS - Thành viên đồng thời của VUSTA và Tập đoàn GFS những năm qua đã không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm sáng chế để tìm ra những công nghệ xây dựng, loại vật liệu xây dựng vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh. Từ đó, giải quyết vấn đề nhà ở cho hàng triệu lao động trên cả nước.

Theo báo cáo dự kiến tới năm 2021 sẽ có thêm nhiều dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm và phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Hiện nay, tro xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, làm bê tông và làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Đề tài này có ý nghĩa quan trọng để xử lý hàng triệu tấn xỉ thải đang gây ô nhiễm môi trường tại các trung tâm nhiệt điện thành vật liệu, cấu kiện tiền chế chất lượng cao, cách âm, cách nhiệt phục vụ xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi; đặc biệt các công trình cần bền vững trong môi trường biển.

Viện Công nghệ GFS đã và đang hợp tác với VUSTA và các Hội, Viện thành viên của VUSTA; Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ,… đồng thời cập nhật thường xuyên với các tổ chức khoa học kỹ thuật xây dựng quốc tế để tiếp tục đưa sản phẩm có sức cạnh tranh cao về mọi mặt, cùng lúc khắc phục các hạn chế còn tồn tại.

Cấu kiện tiền chế từ đồng thời là lời giải cho việc thay thế nhiều triệu mét sàn, nhà chung cư cũ đã xuống cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM bằng những toà nhà đảm bảo chất lượng, mỹ thuật tốt, giá thành cạnh tranh, tiến độ thi công nhanh và đặc biệt không gây ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn trong quá trình thi công; đảm bảo hài hòa, đồng thuận được lợi ích các thành phần trong xã hội, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị văn minh hiện đại.

Cùng với đó là bài toán đáp ứng nhiều triệu mét sàn, nhà ở cho người công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước, nhu cầu này đặc biệt bức thiết không chỉ khi cần áp dụng chính sách “ba tại chỗ” tại các khu công nghiệp trong tình hình đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra hiện nay.

Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn GFS, Viện phó Viện Công nghệ GFS, để đạt các mục tiêu nêu trên về giải pháp kinh tế - kỹ thuật cần dựa trên hai cơ sở vững chắc, đó là khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng - tiền chế và cấu kiện tiền chế được sản xuất hàng loạt lớn theo quy mô công nghiệp. Đây là một đề tài lớn, được Tập đoàn GFS triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, hài hòa với nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, và đặc biệt là phù hợp với sức mua, sức thuê của người lao động.

Đề tài tham luận trong Hội nghị của của Tập đoàn GFS về cấu kiện tiền chế được sản xuất từ tro xỉ, tro bay thải của các nhà máy nhiệt điện đã được các nhà tri thức, nhà khoa học trong Hội nghị đánh giá cao.

Khu nhà ở thiết chế Công đoàn tại Nam Định sẽ được Tập đoàn GFS áp dụng sử dụng cấu kiện tiền chế.
Khu nhà ở thiết chế Công đoàn tại Nam Định sẽ được Tập đoàn GFS áp dụng sử dụng cấu kiện tiền chế.

“Thời gian tới, Tập đoàn GFS sẽ triển khai các Khu nhà ở thiết chế Công đoàn bằng các cấu kiện tiền chế do Viện Công nghệ GFS phối hợp cùng các đối tác nghiên cứu và ứng dụng sản xuất. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết nơi ở cho 2.500-4.000 lao động mỗi Khu nhà ở thiết chế với chi phí xây dựng thấp, thời gian thi công nhanh chóng.” bà Nguyễn Hồng Hạnh chia sẻ.

Các khu nhà ở thiết chế Công đoàn sẽ là tiền đề để Tập đoàn GFS “chào sân” dòng sản phẩm vật liệu xây dựng “xanh”, vừa tốt cho môi trường, vừa giúp mang lại những ngôi nhà bền đẹp, giá thành cạnh tranh cho người lao động trên cả nước.

 

Tập đoàn GFS thành lập năm 1997, tiền thân là đơn vị thành viên của Tổng công ty CIENCO 8. Năm 2005, GFS đã được cổ phần hoá và trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với 05 lĩnh vực đầu tư chính: Bất động sản - Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Công nghiệp, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Đào tạo, Phát triển nhân lực.

Viện Công nghệ GFS được thành lập năm 2015, là thành viên đồng thời của VUSTA và Tập đoàn GFS. Đến nay, viện đã quy tụ và hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước thuộc: Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa HN, Đại học Thủy lợi,.. cũng như các chuyên gia quốc tế từ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Isarel, Ucraina trong các hoạt động: Nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: Công nghệ xây dựng; Nông nghiệp hữu cơ và Thủy sản công nghệ cao; Năng lượng tái tạo; Công nghệ sinh học… Viện Công nghệ GFS hiện đang sở hữu trên 40 phát minh, sáng chế trong lĩnh vực xây dựng gồm: Nền móng, kết cấu, vật liệu và các giải pháp công nghệ tối ưu khác.