Tập dượt trên những thị trường mới
Các doanh nghiệp Viettel, VNPT, FPT, CMC, VTC... đều đã hoặc đang tìm đường đầu tư ra nước ngoài
Viettel đã được chấp thuận thành lập văn phòng đại diện tại Yangon (Myanmar) và ký các hợp đồng chuyển vùng và thoại quốc tế. VNPT cũng đang lên kế hoạch hợp tác kinh doanh tại thị trường mới này.
Giới chuyên gia nhận định rằng đây được xem như một cuộc tập dượt với nhiều cơ hội và thách thức trong hành trình tiến ra thị trường thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 2 đến 4/4, chỉ riêng trong lĩnh vực viễn thông, giới lãnh đạo hai bên cho biết sẽ tiếp tục xem xét các dự án đầu tư khác mà Viettel đã đệ trình, đồng thời tạo điều kiện cho VNPT phát triển kinh doanh tại đây.
Mặc dù hoạt động đầu tư vào mạng viễn thông tại nước ngoài trong thời gian gần đây có phần sôi động nhưng phần mềm lại chính là lĩnh vực khởi xướng xu hướng đầu tư ra nước ngoài trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam.
Phần mềm mở đường
FPT được xem là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông đầu tiên mở các công ty phần mềm tại nước ngoài với mục tiêu tiếp cận thị trường và thu hút những hợp đồng gia công phần mềm lớn về cho công ty trong nước. Doanh nghiệp này mở công ty phần mềm tại Nhật Bản vào năm 2005, đến nay đã có thêm các công ty ở Singapore, Malaysia, Mỹ, Úc và Pháp.
Một trong những kết quả mà FPT thu được từ việc mở công ty tại nước ngoài gần đây là các bản hợp đồng trị giá tổng cộng hơn một triệu Đô la Mỹ mà Công ty FPT tại Mỹ đã ký kết với Twin City Fan Companies (TCF) và CourtTrax đều của Mỹ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT, cho biết việc mở công ty tại nước ngoài đòi hỏi khá nhiều chi phí cho việc thuê văn phòng, tổ chức bộ máy nhân sự… nhưng bù lại, khoản đầu tư này mang lại cho tập đoàn nhiều cơ hội tìm được khách hàng tốt hơn. Nếu FPT không mở công ty tại những thị trường mà họ nhắm đến, sự hiện diện của doanh nghiệp với khách hàng sẽ không thường xuyên, việc xây dựng niềm tin nơi khách hàng từ đó cũng sẽ khó khăn hơn.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Tập đoàn Công nghệ CMC. Tháng 5/2009, CMC đã góp vốn thành lập Công ty Phần mềm Thống Nhất tại Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, xây dựng thương hiệu và cung cấp giải pháp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.
Sau đó, tháng 12/2009, CMC tiếp tục mở cửa CMC Blue France tại Pháp và sở hữu toàn bộ vốn đầu tư. CMC Blue France cung cấp các dịch vụ như phát triển và kiểm thử phần mềm, dịch vụ gia công thuê như xử lý dữ liệu, xử lý ảnh, số hóa dữ liệu, tích hợp hệ thống, hạ tầng viễn thông, cung cấp các giải pháp phần mềm của SAP...
Viễn thông nối bước
Một trong những doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh ra nước ngoài hiện nay có thể kể đến là Viettel.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, nói rằng khi nhận thấy thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông di động trong nước sắp đạt đến ngưỡng bão hòa và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm, doanh nghiệp đã tính toán việc đầu tư và kinh doanh tại những thị trường có mật độ người sử dụng điện thoại di động thấp hơn.
“Một doanh nghiệp muốn trưởng thành phải tự đặt ra thách thức cho mình và vượt qua. Quyết định đầu tư ra nước ngoài chính là cách Viettel đặt ra thách thức cho mình”, ông nói.
Hai lĩnh vực chính mà Viettel lựa chọn để đầu tư ở thị trường nước ngoài là dịch vụ viễn thông di động và Internet băng thông rộng, bởi đây là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh, có nhu cầu lớn và cũng là thế mạnh của doanh nghiệp.
Năm ngoái, Viettel đã khai trương hai mạng di động tại Campuchia (mạng MetFone) và Lào (mạng Unitel) và hiện đang xúc tiến việc mua cổ phần của một số nhà cung cấp mạng điện thoại di động ở Haiti và Bangladesh. Ngoài ra, Viettel còn có kế hoạch mở rộng đầu tư tới nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh.
Ông Hùng cho biết, trong lĩnh vực viễn thông, các công ty quốc tế lớn đã ra nước ngoài đầu tư từ 20 năm nay, Viettel bây giờ mới bắt đầu nên những thị trường thuận lợi đã hết, chỉ còn lại những nơi khó khăn. Song doanh nghiệp lại nhận ra rằng trong khó khăn cũng có cơ hội, trước hết là sự cạnh tranh trên thị trường không nhiều.
Mặt khác, khó khăn cũng khiến doanh nghiệp phải có những giải pháp, ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao năng lực tổ chức, năng lực quản lý và xây dựng đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm hơn.
Cách nhìn này Viettel có được từ kinh nghiệm kinh doanh viễn thông trong nước, một thị trường với số lượng người tiêu dùng lớn nhưng thu nhập trung bình tính trên đầu người không cao, lại có tới bảy công ty viễn thông cùng hoạt động. Chính trong môi trường cạnh tranh như vậy nên Viettel cho rằng họ đã học được nhiều kinh nghiệm về xây dựng chiến lược phát triển và chính sách nội bộ.
Lào và Campuchia cũng là những thị trường đang trong giai đoạn phát triển với khá nhiều thách thức. Ở Campuchia có hơn 10 công ty viễn thông hoạt động trong nhiều năm qua, tạo nên sự cạnh tranh khá quyết liệt, trong khi thị trường Lào có số dân thấp, thu nhập đầu người không cao.
Hiện tại, ở Campuchia, vùng phủ sóng của Viettel đang đứng thứ nhất, về số lượng khách thuê bao đứng thứ hai. Còn ở Lào, mạng điện thoại này phủ sóng trên diện rộng đứng thứ nhất, lượng khách thuê bao đứng thứ ba. Viettel dự định trong năm nay sẽ có lãi ở hai thị trường này.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, nhận định rằng thị trường viễn thông Việt Nam hiện đã bão hòa, nên việc các doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế để phát triển là tất yếu. Ông kỳ vọng các doanh nghiệp sau khi đã có kinh nghiệm bước đầu tại Lào và Campuchia sẽ tiếp tục lựa chọn, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.
Mặt khác, ông Thắng vẫn khuyến cáo rằng việc đầu tư ra những thị trường mới này phải thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường viễn thông thế giới đang suy thoái và có những doanh nghiệp sụp đổ.
Nội dung số cũng tìm cơ hội
Tháng 8/2009, VTC Online, công ty thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), đã thành lập Công ty VTC Korea kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số ở xứ sở kim chi.
Hàn Quốc có thị trường trò chơi trực tuyến rất phát triển và là một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm này hàng đầu thế giới. Ở nước này đang có hàng trăm công ty phát hành trò chơi trực tuyến, trong đó có cả các công ty có tiềm lực rất mạnh từ Nhật và Mỹ.
Một đại diện của VTC cho biết khi công ty quyết định bước vào thị trường Hàn Quốc, họ nhìn thấy cơ hội gặp gỡ được nhiều đối tác, học tập kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh trò chơi trực tuyến để từ đó có thể tự sản xuất hoặc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Trước mắt, VTC phát hành trò chơi trực tuyến Linh Vương của Trung Quốc, sau đó sẽ phát hành thêm một số sản phẩm khác. VTC Korea sẽ là đầu mối để VTC hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất trò chơi trực tuyến phục vụ cho cả hai thị trường Hàn Quốc và Việt Nam, sau đó tiến tới xuất khẩu đi các nước khác.
Ngoài ra, VTC Korea còn sản xuất các chương trình truyền hình để phát sóng trên đài truyền hình số VTC. Nhắm đến 80.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống tại đất nước này, VTC cũng đang hợp tác với Đài truyền hình Hàn Quốc để phát sóng truyền hình VTC tại đây thông qua IPTV (Internet Protocol TV - mạng truyền hình kết hợp với mạng viễn thông) hoặc truyền hình cáp.
Do là doanh nghiệp mới và tiềm lực tài chính còn rất thấp so với các doanh nghiệp Hàn Quốc nên VTC Korea chọn những thị trường ngách để cạnh tranh, cụ thể là phát hành những trò chơi trực tuyến mà ở đây chưa có, tập trung phát triển nhiều loại trò chơi phục vụ cho nhiều phân lớp khách hàng khác nhau…
VTC cho biết, ngày đầu tiên thu phí tại Hàn Quốc, trò chơi Linh Vương đạt doanh thu gấp tám lần so với ở Việt Nam. Tiếp theo Hàn Quốc, VTC Online tiếp tục mở chi nhánh tại Campuchia và trong hai tuần đầu tiên đã đạt doanh thu một triệu Đô la Mỹ, còn chi nhánh tại Lào cũng đã có doanh thu ngay sau ngày đầu tiên ra mắt.
Hiện tại, VTC đang xúc tiến thủ tục mở chi nhánh tại Trung Quốc, Nga, Indonesia, Nhật và một số nước khác. Doanh nghiệp này xác định việc mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài là mục tiêu chiến lược, trong đó trọng điểm là khu vực Đông Nam Á.
Ông Lê Văn Khương, Phó tổng giám đốc VTC, nói rằng tùy từng giai đoạn và tùy từng thị trường cụ thể sẽ có chiến lược riêng. Vì thị trường nước ngoài khó kiểm soát hơn trong nước, và còn phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia nên doanh nghiệp cần tính toán kỹ để giảm bớt rủi ro.
Vân Oanh (TBVTSG)
Giới chuyên gia nhận định rằng đây được xem như một cuộc tập dượt với nhiều cơ hội và thách thức trong hành trình tiến ra thị trường thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 2 đến 4/4, chỉ riêng trong lĩnh vực viễn thông, giới lãnh đạo hai bên cho biết sẽ tiếp tục xem xét các dự án đầu tư khác mà Viettel đã đệ trình, đồng thời tạo điều kiện cho VNPT phát triển kinh doanh tại đây.
Mặc dù hoạt động đầu tư vào mạng viễn thông tại nước ngoài trong thời gian gần đây có phần sôi động nhưng phần mềm lại chính là lĩnh vực khởi xướng xu hướng đầu tư ra nước ngoài trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam.
Phần mềm mở đường
FPT được xem là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông đầu tiên mở các công ty phần mềm tại nước ngoài với mục tiêu tiếp cận thị trường và thu hút những hợp đồng gia công phần mềm lớn về cho công ty trong nước. Doanh nghiệp này mở công ty phần mềm tại Nhật Bản vào năm 2005, đến nay đã có thêm các công ty ở Singapore, Malaysia, Mỹ, Úc và Pháp.
Một trong những kết quả mà FPT thu được từ việc mở công ty tại nước ngoài gần đây là các bản hợp đồng trị giá tổng cộng hơn một triệu Đô la Mỹ mà Công ty FPT tại Mỹ đã ký kết với Twin City Fan Companies (TCF) và CourtTrax đều của Mỹ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT, cho biết việc mở công ty tại nước ngoài đòi hỏi khá nhiều chi phí cho việc thuê văn phòng, tổ chức bộ máy nhân sự… nhưng bù lại, khoản đầu tư này mang lại cho tập đoàn nhiều cơ hội tìm được khách hàng tốt hơn. Nếu FPT không mở công ty tại những thị trường mà họ nhắm đến, sự hiện diện của doanh nghiệp với khách hàng sẽ không thường xuyên, việc xây dựng niềm tin nơi khách hàng từ đó cũng sẽ khó khăn hơn.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Tập đoàn Công nghệ CMC. Tháng 5/2009, CMC đã góp vốn thành lập Công ty Phần mềm Thống Nhất tại Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, xây dựng thương hiệu và cung cấp giải pháp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.
Sau đó, tháng 12/2009, CMC tiếp tục mở cửa CMC Blue France tại Pháp và sở hữu toàn bộ vốn đầu tư. CMC Blue France cung cấp các dịch vụ như phát triển và kiểm thử phần mềm, dịch vụ gia công thuê như xử lý dữ liệu, xử lý ảnh, số hóa dữ liệu, tích hợp hệ thống, hạ tầng viễn thông, cung cấp các giải pháp phần mềm của SAP...
Viễn thông nối bước
Một trong những doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh ra nước ngoài hiện nay có thể kể đến là Viettel.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, nói rằng khi nhận thấy thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông di động trong nước sắp đạt đến ngưỡng bão hòa và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm, doanh nghiệp đã tính toán việc đầu tư và kinh doanh tại những thị trường có mật độ người sử dụng điện thoại di động thấp hơn.
“Một doanh nghiệp muốn trưởng thành phải tự đặt ra thách thức cho mình và vượt qua. Quyết định đầu tư ra nước ngoài chính là cách Viettel đặt ra thách thức cho mình”, ông nói.
Hai lĩnh vực chính mà Viettel lựa chọn để đầu tư ở thị trường nước ngoài là dịch vụ viễn thông di động và Internet băng thông rộng, bởi đây là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh, có nhu cầu lớn và cũng là thế mạnh của doanh nghiệp.
Năm ngoái, Viettel đã khai trương hai mạng di động tại Campuchia (mạng MetFone) và Lào (mạng Unitel) và hiện đang xúc tiến việc mua cổ phần của một số nhà cung cấp mạng điện thoại di động ở Haiti và Bangladesh. Ngoài ra, Viettel còn có kế hoạch mở rộng đầu tư tới nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh.
Ông Hùng cho biết, trong lĩnh vực viễn thông, các công ty quốc tế lớn đã ra nước ngoài đầu tư từ 20 năm nay, Viettel bây giờ mới bắt đầu nên những thị trường thuận lợi đã hết, chỉ còn lại những nơi khó khăn. Song doanh nghiệp lại nhận ra rằng trong khó khăn cũng có cơ hội, trước hết là sự cạnh tranh trên thị trường không nhiều.
Mặt khác, khó khăn cũng khiến doanh nghiệp phải có những giải pháp, ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao năng lực tổ chức, năng lực quản lý và xây dựng đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm hơn.
Cách nhìn này Viettel có được từ kinh nghiệm kinh doanh viễn thông trong nước, một thị trường với số lượng người tiêu dùng lớn nhưng thu nhập trung bình tính trên đầu người không cao, lại có tới bảy công ty viễn thông cùng hoạt động. Chính trong môi trường cạnh tranh như vậy nên Viettel cho rằng họ đã học được nhiều kinh nghiệm về xây dựng chiến lược phát triển và chính sách nội bộ.
Lào và Campuchia cũng là những thị trường đang trong giai đoạn phát triển với khá nhiều thách thức. Ở Campuchia có hơn 10 công ty viễn thông hoạt động trong nhiều năm qua, tạo nên sự cạnh tranh khá quyết liệt, trong khi thị trường Lào có số dân thấp, thu nhập đầu người không cao.
Hiện tại, ở Campuchia, vùng phủ sóng của Viettel đang đứng thứ nhất, về số lượng khách thuê bao đứng thứ hai. Còn ở Lào, mạng điện thoại này phủ sóng trên diện rộng đứng thứ nhất, lượng khách thuê bao đứng thứ ba. Viettel dự định trong năm nay sẽ có lãi ở hai thị trường này.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, nhận định rằng thị trường viễn thông Việt Nam hiện đã bão hòa, nên việc các doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế để phát triển là tất yếu. Ông kỳ vọng các doanh nghiệp sau khi đã có kinh nghiệm bước đầu tại Lào và Campuchia sẽ tiếp tục lựa chọn, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.
Mặt khác, ông Thắng vẫn khuyến cáo rằng việc đầu tư ra những thị trường mới này phải thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường viễn thông thế giới đang suy thoái và có những doanh nghiệp sụp đổ.
Nội dung số cũng tìm cơ hội
Tháng 8/2009, VTC Online, công ty thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), đã thành lập Công ty VTC Korea kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số ở xứ sở kim chi.
Hàn Quốc có thị trường trò chơi trực tuyến rất phát triển và là một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm này hàng đầu thế giới. Ở nước này đang có hàng trăm công ty phát hành trò chơi trực tuyến, trong đó có cả các công ty có tiềm lực rất mạnh từ Nhật và Mỹ.
Một đại diện của VTC cho biết khi công ty quyết định bước vào thị trường Hàn Quốc, họ nhìn thấy cơ hội gặp gỡ được nhiều đối tác, học tập kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh trò chơi trực tuyến để từ đó có thể tự sản xuất hoặc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Trước mắt, VTC phát hành trò chơi trực tuyến Linh Vương của Trung Quốc, sau đó sẽ phát hành thêm một số sản phẩm khác. VTC Korea sẽ là đầu mối để VTC hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất trò chơi trực tuyến phục vụ cho cả hai thị trường Hàn Quốc và Việt Nam, sau đó tiến tới xuất khẩu đi các nước khác.
Ngoài ra, VTC Korea còn sản xuất các chương trình truyền hình để phát sóng trên đài truyền hình số VTC. Nhắm đến 80.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống tại đất nước này, VTC cũng đang hợp tác với Đài truyền hình Hàn Quốc để phát sóng truyền hình VTC tại đây thông qua IPTV (Internet Protocol TV - mạng truyền hình kết hợp với mạng viễn thông) hoặc truyền hình cáp.
Do là doanh nghiệp mới và tiềm lực tài chính còn rất thấp so với các doanh nghiệp Hàn Quốc nên VTC Korea chọn những thị trường ngách để cạnh tranh, cụ thể là phát hành những trò chơi trực tuyến mà ở đây chưa có, tập trung phát triển nhiều loại trò chơi phục vụ cho nhiều phân lớp khách hàng khác nhau…
VTC cho biết, ngày đầu tiên thu phí tại Hàn Quốc, trò chơi Linh Vương đạt doanh thu gấp tám lần so với ở Việt Nam. Tiếp theo Hàn Quốc, VTC Online tiếp tục mở chi nhánh tại Campuchia và trong hai tuần đầu tiên đã đạt doanh thu một triệu Đô la Mỹ, còn chi nhánh tại Lào cũng đã có doanh thu ngay sau ngày đầu tiên ra mắt.
Hiện tại, VTC đang xúc tiến thủ tục mở chi nhánh tại Trung Quốc, Nga, Indonesia, Nhật và một số nước khác. Doanh nghiệp này xác định việc mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài là mục tiêu chiến lược, trong đó trọng điểm là khu vực Đông Nam Á.
Ông Lê Văn Khương, Phó tổng giám đốc VTC, nói rằng tùy từng giai đoạn và tùy từng thị trường cụ thể sẽ có chiến lược riêng. Vì thị trường nước ngoài khó kiểm soát hơn trong nước, và còn phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia nên doanh nghiệp cần tính toán kỹ để giảm bớt rủi ro.
Vân Oanh (TBVTSG)