17:06 21/01/2019

Tắt 2G ở Việt Nam có dễ?

Thủy Diệu

Cần hội tụ những yếu tố gì để tắt 2G và khi nào thì Việt Nam có thể tắt mạng 2G?

Theo thống kê của Cục Viễn thông, hiện Việt Nam có khoảng 70 triệu thuê bao 2G.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, hiện Việt Nam có khoảng 70 triệu thuê bao 2G.

Quan điểm tắt sóng 2G lại một lần nữa được nhắc tới tại cuộc họp tổng kết năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông cách đây ít hôm khi lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đề xuất Bộ cần sớm có lộ trình tắt mạng di động 2G tại Việt Nam.

Vậy vì sao lại cần tắt 2G? Cần hội tụ những yếu tố gì để tắt 2G và khi nào thì Việt Nam có thể tắt mạng 2G?

Tắt 2G cần hội tụ những yếu tố gì?

Chưa có bộ chỉ tiêu cụ thể để căn cứ xác nhận về thời điểm tắt mạng di động 2G. Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, theo các chuyên gia viễn thông, việc tắt 2G chủ yếu với lý do để giải phóng băng tần cho việc phát triển các công nghệ mới (như 4G, 5G), hoặc do định hướng, chiến lược phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số (nhằm thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng các thiết bị thông minh), hoặc cũng có những nước thiếu tần số nên buộc phải tắt 2G.

Tại Việt Nam, nhu cầu về băng tần cho công nghệ 4G khá cấp bách. Mặc dù đã chính thức có mặt trên thị trường được hơn một năm nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có băng tần cho 4G. Hiện 4G vẫn đang phải "sống nhờ" từ băng tần 1800 Mhz của 2G mà nhà mạng đang phải sử dụng lại, do đó tốc độ mạng cũng bị hạn chế rất lớn chỉ tương đương với 3G, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn 3G.

Do vậy, đây cũng có thể xem là một trong những lý do cần thiết để Việt Nam có lộ trình tắt sóng 2G.

Một lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, để tắt sóng 2G hoặc công nghệ nào khác, thì cần hội tụ 3 đối tượng. Thứ nhất là bộ quản lý ngành (ở đây là Bộ Thông tin và Truyền thông), là người dẫn dắt, là người làm quy hoạch, có chiến lược và có tính dài hạn. Vì tần số là hữu hạn, do vậy cần quy hoạch làm sao để hài hòa đủ tần số để làm các công nghệ khác nhau.

Còn việc "áp" (tắt mạng) ngay cho một doanh nghiệp nào cũng rất khó. Vì mỗi nhà mạng có một chiến lược kinh doanh khác nhau, tập khách hàng khác nhau…, nên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc làm quy hoạch của Bộ.

Thứ hai là các doanh nghiệp. Mỗi nhà mạng đều vận hành mạng di động gồm 3 lớp (2G, 3G và 4G) nên cần xét xem có bao nhiêu khách hàng trên từng mạng đó. Giả sử một mạng (2G/3G/4G) không có khách hàng nào hoặc vô cùng ít thì doanh nghiệp có thể tắt. Thứ nữa, do đã đầu tư nhiều mạng nên khi doanh nghiệp cắt đi một mạng về lý thuyết sẽ giảm đi 1/3 chi phí hoạt động, và nếu không ảnh hưởng hoặc tác động không nhiều đến nguồn thu thì nhà mạng có thể tính toán theo chiến lược của mình.

Và đối tượng thứ ba là khách hàng. Trường hợp khách hàng chỉ có máy 2G và không có nhu cầu về data mà chỉ a-lô như khách hàng nhiều tuổi thì cũng khó có thể tắt. Trừ phi nhà mạng có thỏa thuận với khách hàng để hỗ trợ máy đầu cuối (ví dụ như máy 3G, vẫn đáp ứng được nhu cầu gọi) thì mới tính được tắt hay không.

Không dễ tắt 2G

Thự tế, mạng di động 2G chỉ thuần túy phục vụ thoại và tin nhắn. Mạng 3G là thoại và data. Mạng 4G chủ yếu là hỗ trợ data (kết nối người với người). Do vậy, khi tắt 2G thì mạng 3G có thể đảm trách phần gọi của 2G. Nhưng ngặt nỗi, lượng thuê bao 2G hiện nay còn quá lớn.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Việt Nam có khoảng 70 triệu thuê bao 2G. Thông tin từ các nhà mạng lớn cũng cho biết, mỗi nhà mạng đều đang có hàng chục và vài chục triệu thuê bao 2G, trong đó Viettel sở hữu lớn nhất. Chính bởi vậy, 2G vẫn đang được xem là nguồn tạo ra doanh thu chủ yếu cho các nhà mạng.

Với số lượng thuê bao 2G như trên, đặt giả thiết về việc tắt 2G ở thời điểm này, thậm chí là 3-5 năm nữa cũng rất khó khả thi. Bởi, giả sử nhà mạng muốn thúc đẩy thuê bao 2G chuyển sang 3G để sử dụng data và phát triển nguồn thu mới thì nhà mạng sẽ phải hỗ trợ thiết bị 3G cho khách hàng.

Hiện giá của một chiếc smartphone 3G trung bình rẻ nhất khoảng 1,5-2 triệu đồng, do vậy, với hàng chục triệu thuê bao 2G, nhà mạng nếu muốn hỗ trợ cho khách hàng thiết bị 3G sẽ phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này cũng khó có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty VNPT VinaPhone, cho rằng, nhiều nước phát triển hiện giờ vẫn giữ mạng 2G, ngay cả những nước có địa hình trải rộng như Việt Nam. Nên theo ông Giang, nếu tắt 2G bây giờ sẽ rất lãng phí nguồn lực quốc gia và đối với VinaPhone nhà mạng này cũng chưa hề nghĩ đến chuyện tắt 2G.

Theo lãnh đạo VinaPhone, giả sử người tiêu dùng 2G chuyển hết sang 3G, như ở vùng sâu vùng xa, thì nhà mạng sẽ nâng cấp ngay từ 2G lên 3G vì 3G tốt hơn bởi người dùng còn dùng data. Bản thân nhà mạng luôn mong muốn chuyển hết 2G sang 3G và 4G nhưng vấn để là người tiêu dùng dịch chuyển dịch như thế nào.

"Nếu cứ đầu tư mạnh 3G nhưng người dùng lại chỉ có nhu cầu sử dụng 2G thôi thì rất lãng phí. Điều này phụ thuộc vào người tiêu dùng", ông Giang nói và cho rằng, việc tắt 2G hay không là nhu cầu kinh doanh tự nhiên giữa nhà mạng và người tiêu dùng.