15:20 22/07/2009

Tàu đóng mới hiện đại nhất Việt Nam “tự”… hạ thủy

Anh Quân

Con tàu biển chở ôtô - có sức chứa 4.900 xe - đã tự hạ thủy sớm hơn dự kiến khoảng 45 phút

Victory Leader được biết đến là con tàu chở ôtô đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam, do Viện Thiết kế Naval Progetti (Ytalia) thiết kế, cơ quan đăng kiểm DNV của Na Uy phê duyệt thiết kế, giám sát thi công và phân cấp tàu theo cấp 1A1, là cấp tàu cao nhất đối với tàu chở ôtô.
Victory Leader được biết đến là con tàu chở ôtô đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam, do Viện Thiết kế Naval Progetti (Ytalia) thiết kế, cơ quan đăng kiểm DNV của Na Uy phê duyệt thiết kế, giám sát thi công và phân cấp tàu theo cấp 1A1, là cấp tàu cao nhất đối với tàu chở ôtô.
Những tiếng động lớn liên tiếp phát ra từ phía con tàu biển chở ôtô - có sức chứa 4.900 xe - đã át đi lời “chào hỏi” quan khách trong bài phát biểu của đại diện Công ty Đóng tàu Hạ Long, trong lễ hạ thủy con tàu này.

Hàng trăm công nhân chạy nháo nhào xa khỏi con tàu - lúc này đang từ từ trượt xuống theo triền đà.

Cách đó vài chục mét, trong một chiếc lán dựng lên làm cho quan khách dự lễ hạ thủy, đứng bật dậy khỏi hàng ghế đầu, ông Rami Ungar, Chủ tịch RAY Shipping (Israel), đại diện phía chủ tàu, gương mặt lo lắng, chạy về phía triền đà, khi lúc này con tàu đang rút ngắn lại khoảng cách đến dòng sông phía trước.

Có tiếng ai đó hét to vào bộ đàm: “Di chuyển ngay sang mạn phải tàu”. Cùng lúc, con tàu dài 185,6 mét, rộng hơn 32 mét và chiều cao mạn tới gần 39 mét tính đến cabin buồng lái, tự trọng 14.300 DWT, hơi nghiêng nhẹ khi tiếp nước, giảm dần tốc độ và dừng lại giữa dòng sông.

Tại chiếc cầu thang dẫn lên triền đà, đáp lời vội vàng trong lúc tiếp tục chạy về phía cuối đường triền, một đại úy công an cho biết: “Chưa thấy có thương vong nào”.

Vào lúc 15 giờ 17 phút chiều ngày 21/7, tức là sớm hơn giờ dự kiến hạ thủy khoảng 45 phút, con tàu có tên là Victory Leader này đã “tự” hạ thủy.

Tại buổi họp báo diễn ra sau đó hơn một giờ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thông báo: “Mặc dù có một trục trặc nhỏ, nhưng mọi việc đã an toàn”. Có mặt nhiều đại diện của phía chủ tàu, lãnh đạo cấp cao của Vinashin và giới báo chí, buổi họp báo đã tập trung làm rõ những thắc mắc liên quan đến trục trặc vừa xảy ra.

Đại diện phía chủ tàu, ông Rami Ungar, nhấn mạnh trục trặc này "chỉ là sự nôn nóng của anh em kỹ thuật". "Trong quá trình hạ thủy con tàu, người ta phải chuẩn bị phải tháo bỏ tất cả các căn kê dưới đáy tàu, để lại trụ kê lớn ở dưới đáy tàu cho đến thời khắc cuối cùng. Lúc đó rồi mới tháo bỏ các trụ kê lớn đó và cắt dây hãm trên đầu tàu, thì con tàu sẽ xuống nước. Nhưng do nôn nóng cho nên anh em mới tháo bỏ hai căn kê sớm quá, dẫn tới quá tải ở dây hãm. Theo khảo sát của chúng tôi vừa rồi thì không có thiệt hại gì", ông nói.

Ông Nguyễn Đức Thận, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long, cho biết đến nay công ty đã hạ thủy 5 con tàu 53.000 tấn, kích thước tương đương với con tàu vừa hạ thủy. "Lần hạ thủy này này gặp trục trặc do chủ quan của người thợ, dù chưa có lệnh anh em đã tự tiện tháo bớt căn. Tuy nhiên, không thể nói đây là không có vấn đề gì xảy ra, mà đó là vấn đề phải hết sức rút kinh nghiệm trong quá trình hạ thủy. Bởi vì những sản phẩm rất lớn, rất quan trọng như thế này thì càng thận trọng bao nhiêu càng tốt. Tôi nghĩ rằng sẽ phải họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, và chắc chắn con tàu thứ hai sẽ không có chuyện như thế này xảy ra nữa", ông Thận phát biểu.

Ông Rami Ungar thì khẳng định, trục trặc này sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng đóng các con tàu tiếp theo mà phía chủ tàu đã ký với Vinashin. Theo dự kiến, Victory Leader sẽ được hoàn thiện và bàn giao vào tháng 12/2009. Chiếc thứ hai dự kiến sẽ bàn giao vào giữa năm 2010. Những chiếc tiếp theo được thực hiện sau chiếc trước 4 tháng/chiếc.

"Điều quan trọng nhất là phía sử dụng con tàu này là một tập đoàn vận tải biển, chuyên chở ôtô là NYK của Nhật Bản. Một công ty lớn như thế đã vào đây khảo sát, hôm nay đã nhận con tàu này và trong tương lai sẽ tiếp tục nhận những con tàu khác. Điều đó là một minh chứng về khả năng kỹ thuật của Việt Nam, bởi việc đóng con tàu này thực sự rất khó về mặt kỹ thuật", ông Rami Ungar nói.

Vị đại diện phía chủ tàu cho biết thêm, trên thế giới có ba chủng loại tàu chở ôtô là cỡ nhỏ, cỡ trung và cỡ lớn. Con tàu hạ thủy hôm nay là cỡ trung cao, sức chở 4.900 ôtô, có giá trị ước tính hơn 50 triệu USD. Loại cỡ lớn hơn chở được 6.000 đến 8.000 ôtô.

Tàu chở ôtô là loại tàu đặc biệt, có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Do đặc thù của chủ tàu trong việc khai thác, sử dụng, ngoài việc phải thỏa mãn yêu cầu của các công ước quốc tế về vận tải biển, con tàu phải được trang bị hệ thống điều khiển tích hợp, đa chức năng và có mức độ tự động hóa cao. Do có kết cấu đặc biệt bằng thép hợp kim mỏng nên quá trình thiết kế và đặc biệt là khi thi công rất phức tạp. Tính đến thời gian này, chỉ có một số quốc gia có ngành công nghiệp tàu thủy và chế tạo phát triển có thể đóng thành công loại tàu này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan.

Victory Leader được biết đến là con tàu chở ôtô đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam, do Viện Thiết kế Naval Progetti (Ytalia) thiết kế, cơ quan đăng kiểm DNV của Na Uy phê duyệt thiết kế, giám sát thi công và phân cấp tàu theo cấp 1A1, là cấp tàu cao nhất đối với tàu chở ôtô. Tàu gồm 13 boong, trong đó có 11 boong chứa ôtô (9 boong cố định và 2 boong nâng hạ bằng thủy lực), với nhiều tính năng điều khiển tự động trong quá trình vận hành, kiểm soát tình trạng máy móc, thiết bị.

Đây là sản phẩm đóng mới hiện đại nhất của ngành đóng tàu Việt Nam. Ngoài hệ thống các phòng nghỉ và công tác của thuyền viên, tàu còn có trang bị nhiều hạng mục hiện đại. Các bể bơi, sân chơi và sinh hoạt chung của tàu được thiết kế như của các khách sạn hạng sang.