“Tay to” bán lẻ nội địa quyết vượt mặt công ty đa quốc gia
Ngày 1/4, Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Masan (MSN) gây bất ngờ khi hé lộ một thương vụ với Techcombank để ngân hàng này có được 2 tỷ USD từ CASA vào 2025
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2020, doanh thu thuần hợp nhất của MSN lên tới 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng của 2019; lợi nhuận gộp 17.888.697 tỷ đồng so với 10.941.148 tỷ đồng năm 2019. Trong bối cảnh đại dịch, kết quả trên thật sự ấn tượng.
NHỮNG CHÂN TRỤ KIÊN CỐ
Trong số những đứa con đóng góp lớn về doanh thu, lợi nhuận cho tập đoàn, cái tên đầu tiên được nhắc đến là The CrownX, công ty quản lý vốn góp của tập đoàn tại MasanConsumerHoldings (MCH) và VinCommerce (VCM).
Công ty này dù mới thành lập tháng 6/2020 nhưng trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn thứ 2 tại Việt Nam với mức doanh thu 2,5 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. The CrownX có 2 thành viên lớn, một là VCM đạt doanh thu thuần 30.978 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; hai là, MCH (công ty con sản xuất hàng tiêu dùng), năm 2020 khi lần đầu tiên vượt mốc doanh thu thuần 1 tỷ USD (tương đương 23.971 tỷ đồng) với mức tăng trưởng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The CrownX cho biết, The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp hàng đầu, nắm giữ lợi ích của Masan tại MasanConsumerHoldings (MCH) và VinCommerce (VCM). Trong đó, MCH là một trong những công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu lớn nhất Việt Nam, tập trung vào xây dựng thương hiệu mạnh và phát triển sản phẩm mới. VCM là hệ thống bán lẻ hiện đại có quy mô toàn quốc, dẫn đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam. Ngoài ra, việc mua lại VCM đã mang lại sức mạnh hiệp lực đáng kể với Masan MEATLife (MML). Các sản phẩm MEATDeli hiện đã có mặt tại hơn 1.200 cửa hàng VinMart+.
Thậm chí, ông Thắng cũng không giấu tham vọng khi nói về tầm nhìn 5 năm tới, rằng The CrownX sẽ là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (MML) và dịch vụ tài chính (Techcombank) liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt.
The CrownX đặt mục tiêu doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX cũng hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ 30 – 50 triệu khách hàng thân thiết, 10% doanh thu đến từ kênh online.
Một trụ cột khác Vincommerce với doanh thu thuần tăng 14,2%, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020.
Hay như một đơn vị khác là MasanConsumerHoldings doanh thu thuần tăng 27,2% lên 23.971 tỷ đồng trong năm 2020, so với mức 18.845 tỷ đồng năm 2019, nhờ đầu tư hiệu quả vào phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu, đặc biệt là trong các ngành hàng thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến.
Hoặc, Masan MEATLife (MML), chỉ trong năm 2020 doanh thu đạt 100 triệu USD. Cùng năm đó, MML còn thâu tóm 3F Việt mở rộng sang thịt gia cầm thông qua thương vụ 5 tỷ USD (51% cổ phần).
Đó là chưa kể, năm 2020, công ty liên kết của MSN là ngân hàng Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 15.800 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
THAM VỌNG BÁ CHỦ THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ NỘI ĐỊA
Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhận xét về chiến lược của MSN: "Trong ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng, MSN gần như là doanh nghiệp duy nhất còn lại của Việt Nam đủ lớn để đối đầu với các công ty đa quốc gia trên thị trường nội địa".
Theo ông, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã rơi vào tay nước ngoài. Cũng vì thế mà tại các quầy kệ siêu thị của các tập đoàn đa quốc gia, hàng hoá Việt Nam không thể vào được và nếu phải chịu một áp lực nào đó thì họ cũng chỉ bày biện ở vị trí khuất lấp, ít được để ý.
Bởi vậy, khi MSN tiến công vào thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng, với tầm nhìn, lộ trình và tốc độ vũ bão, đã góp phần quan trọng trong việc lấy lại vị thế cân bằng của tiêu thụ hàng hoá nội địa trước các loại hàng hoá nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hàng rào thương mại ngày càng gỡ bỏ và bành trướng của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia.
Theo ông Nghĩa, MSN đã khép kín từ trang trại đến bàn ăn hầu như tất cả giải sản phẩm tiêu dùng thiết yếu rộng lớn, từ rau củ quả đến các loạt thịt lợn MEATDeli, thịt gà và nước mắm, nước chấm, nước tăng lực, nước đóng chai, bia, gia vị và tới đây là sữa với cách đi: dồn tất cả thoả mãn vào một sản phẩm.
Về vấn đề này, ông Trương Công Thắng dẫn chứng: Sau khi chiếm lĩnh được thị trường của một dòng sản phẩm nào đó, MSN sẽ nâng nhu cầu thoả mãn người dùng lên một tầm cao mới. "Chúng tôi nấu sẵn một bữa ăn chứ không chỉ là thứ để ăn khi cần. MSN lựa chọn một phân khúc để chiến thắng sau đó tìm cách lan toả sang các phân khúc còn lại. Với sự am hiểu về truyền thống từ mùi, vị, cách thức tiêu dùng, chắc chắn đó là lợi thế trong cuộc cạnh tranh của công ty nội địa mà đối tác nước ngoài không dễ gì có được", ông Thắng nói.
Ngoài ra, dựa trên phương châm "đặt người dùng vào vị trí trung tâm", trong hệ thống bán lẻ hàng nghìn điểm MSN, không hề có sự phân biệt nào trong việc bày bán các loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu của tập đoàn với các sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp khác.
Thậm chí, một tham vọng lớn ở tập đoàn này được hé lộ tại kỳ đại hội cổ đông lần này, đó là tích hợp hệ thống dịch vụ ngân hàng số của Techcombank với hàng nghìn điểm bán hàng của MSN. Khi được hỏi về mối quan hệ cộng sinh này, ông Đỗ Quốc Thắng nói: "Đơn giản là Techcombank có thể đặt các máy POS, ATM và các nền tảng thanh toán không tiền mặt tại hàng nghìn điểm bán hàng của MSN".
Nhìn xa hơn trong chiến lược này, ông Danny Le, Tổng giám đốc MSN cho biết, 5 năm tới Techcombank có một hợp đồng độc quyền với MSN trong việc sử dụng khoảng 3.000 cửa hàng của tập đoàn để tăng hiện diện của mình, họ sẽ chẳng việc gì phải mở thêm mạng lưới. Đó là cách mà Techcombank thu hút được lượng khổng lồ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ước tính 2 tỷ USD từ khoảng 50 triệu khách hàng qua trung gian thanh toán trong 2025; 1 -2 tỷ USD cho vay tiêu dùng, trên 200 triệu USD cho vay bán lẻ và 1 - 2 tỷ USD sản phẩm đầu tư.