Bình Dương: Thu hồi và chuyển mục đích sử dụng hơn 1.700 ha đất trồng lúa
Trong năm 2023, Bình Dương sẽ thực hiện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích 1.757,94ha để thực hiện 366 công trình, dự án…
HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua nghị quyết về danh mục dự án thuộc diện thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Cụ thể, số lượng công trình, dự án thực hiện thu hồi đất đăng ký mới trong năm 2023 là 62 với tổng diện tích 164,24ha.
Ngoài ra, địa phương cũng thống nhất chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 đối với 304 công trình, dự án theo hình thức thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, với tổng diện tích 1.593,7ha, bao gồm: 41 công trình, dự án (diện tích 151,55ha) có điều chỉnh về tên gọi, diện tích và vị trí; 263 công trình, dự án (diện tích 1.442,15ha) không phải điều chỉnh theo hình thức thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Trong 263 công trình, dự án này, có 260 công trình, dự án (diện tích 1.439 ha) thực hiện theo hình thức thu hồi đất; 3 công trình, dự án (diện tích 3,15 ha) thực hiện theo hình thức chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Dương còn quyết định không chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 và đưa ra khỏi danh mục 41 công trình, dự án với tổng diện tích 129,68ha.
Đồng thời, giao UBND tỉnh xem xét giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại 13 dự án (66,44ha) do tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, và được thống kê là loại đất khác, nhưng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thể hiện mục đích là đất trồng lúa, để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Được biết, theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, tại Nghị quyết số 39 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025 (Nghị quyết số 39), thì đến năm 2030 sẽ giảm gần 350.000ha đất lúa, trong đó, có khoảng 174.000ha đất chuyên trồng lúa. Giai đoạn 5 năm từ năm 2021 - 2025, đất trồng lúa giảm 184.000ha, trong đó có 90.000ha đất chuyên trồng lúa.
Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Quốc hội, nhằm hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Mục tiêu là bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.
Theo đó, điểm nhấn đáng chú ý được nêu rõ tại Nghị quyết số 115 là Chính phủ xác định tầm quan trọng và ưu tiên bảo vệ các diện tích đất chuyên trồng lúa nước.
Cụ thể, đối với công tác chuyển đổi đất đai, Chính phủ xác định tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch. Cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300.000ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Đáng chú ý, Chính phủ xác định cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.