Lâm Đồng: Không để hình thành các dự án bất động sản trái phép
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với các quy hoạch…
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định; tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị).
Đồng thời khẩn trương tổ chức rà soát, lập, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn theo thẩm quyền; trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trong đó, riêng đối với quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định, trình UBND tỉnh trước ngày 31/3/2023.
Tỉnh Lâm Đồng cũng giao UBND các địa phương khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản) trên địa bàn.
Từ đó, xử lý theo hướng: Đối với khu vực, diện tích đất phù hợp các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP( ngày 6/1/2022) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Kinh doanh bất động sản, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ trình tự hồ sơ, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở (nếu có)... theo quy định.
Sau khi chấp hành xong việc xử lý vi phạm và đã điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất giữa các quy hoạch thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đã điều chỉnh thống nhất, thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch (sử dụng đất, xây dựng, đô thị) thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở... theo quy định; không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm.
Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để hướng dẫn các huyện, thành phố (trong tháng 3/2023) hướng xử lý vi phạm trong việc hiến đất, làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định trên địa bàn.
Kiểm tra, rà soát các trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa trên địa bàn; từ đó đánh giá, xác định các trường hợp nào thuộc trường hợp hình thành các khu, điểm dân cư mới, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước 31/3/2023 xem xét, chỉ đạo; đồng thời rà soát báo cáo, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.
Tiếp tục giải quyết các trường hợp hiến đất làm đường đối với các trường hợp đường giao thông dự kiến phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chung nông thôn mới đã được phê duyệt.
Trước đó, tại văn bản số 188/BC-STNMT (ngày 26/4/2022) của Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc dư luận, báo chí phản ánh về hiện tượng “hiến đất làm đường”, bán nền trên địa bàn huyện Bảo Lâm, nêu rõ: “Trong thời gian từ năm 2018 đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn đã có 80 trường hợp hộ gia đình, cá nhân (tại 10 xã, thị trấn) hiến đất làm đường giao thông…” và “Qua kiểm tra, rà soát có nhiều trường hợp đã đầu tư xây dựng đường giao thông với kết cấu bê tông nhựa, bê tông xi măng, bó vỉa, vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng… và tại cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã không có hồ sơ nào liên quan đến việc đầu tư xây dựng nêu trên”.