Tesla sở hữu nhà máy năng suất tại Mỹ, xuất xưởng 8.550 xe mỗi tuần
Tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, có tầm nhìn rất cụ thể về một nhà máy lý tưởng: Được bố trí san sát, tích hợp theo chiều dọc và quy mô đồ sộ...
Trong những ngày đầu Tesla đi vào sản xuất hàng loạt, ông Musk từng bị chế nhạo vì sự tự tin thái quá của mình. Nhưng giờ đây, nhà máy ban đầu của Tesla ở Fremont, bang California đã giành được danh hiệu xứng đáng: Nhà máy ô tô có năng suất cao nhất Bắc Mỹ.
Năm 2021, nhà máy này xuất xưởng bình quân 8.550 xe mỗi tuần, nhiều hơn so với nhà máy của các hãng xe lớn khác tại Mỹ như cơ sở của Toyota tại tại Georgetown, bang Kentucky (8.427 xe); trung tâm sản xuất của BMW ở Spartanburg, bang South Carolina (8.343 xe) hay nhà máy xe tải biểu tượng của Ford ở Dearborn, bang Michigan (5.564 xe), theo một phân tích của Bloomberg về hơn 70 cơ sở sản xuất ô tô tại Mỹ.
Vào năm 2012, khi mới đi vào hoạt động, nhà máy tại Fremont của Tesla chỉ có xuất xưởng 60 xe mỗi tuần.
Năm qua, khi hoạt động sản xuất ô tô trên toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu hụt linh kiện đầu vào và gián đoạn chuỗi cung ứng, Tesla vẫn tăng sản lượng trên toàn cầu thêm 83% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng tại nhà máy ở Thượng Hải, Trung Quốc của hãng đã tăng gấp 3 lần lên gần 486.000 xe. Trong vài tuần tới, Tesla dự kiến bắt đầu sản xuất tại hai nhà máy mới - Gigafactory Berlin-Brandenburg, cơ sở sản xuất đầu tiên của hãng tại châu Âu và Gigafactory Texas tại Austin, bang Texas (Mỹ). Trước đó, hồi tháng 10/2021, ông Musk tiết lộ có kế hoạch tăng 50% sản lượng tại nhà máy ở Fremont và Thượng Hải.
Trong năm 2021, Tesla đã tăng lượng giao hàng tới 87% lên mức cao kỷ lục 936.000 xe, bất chấp tình trạng thiếu chip máy tính đã làm gián đoạn sản xuất ô tô trên toàn thế giới.
Các nhà máy gần đây của công ty này được thiết kế có chủ đích hơn, mỗi nơi đều tinh chỉnh thêm theo hình dạng viên kim cương của nhà máy pin xe điện ở bang Nevada. Hình dạng này cho phép trải dài dây chuyền sản xuất mà không bị gián đoạn và có thể lấy các phụ tùng dọc theo chiều dài của nó. Nhà máy mới của Tesla ở Texas có chiều dài khoảng 1,2 km. Tháng 12 năm ngoái, ông Musk đã chuyển trụ sở của công ty từ Palo Alto tới đây.
Theo nhà phân tích Dan Levy tại Credit Suisse, chiến lược xây dựng các trung tâm sản xuất khổng lồ tại những thị trường lớn nhất của Tesla đang được đền đáp. Nhu cầu xe điện trên toàn cầu hiện đã vượt quá năng lực sản xuất và các hãng ô tô khắp thế giới đang tranh giành nhau để tiếp cận nguồn cung vốn hạn chế của pin điện, nguyên liệu thô cũng như các bộ phận hệ thống truyền động. Tesla, với việc đầu tư từ sớm vào sản xuất xe điện, đang có mối quan hệ "cửa trên" với nhiều nhà cung cấp quan trọng.
“Giga Austin tượng trưng cho kế hoạch mở rộng sản xuất của Tesla ở Mỹ, ngoài nhà máy ban đầu tại California”, ông Levy nhận xét trong báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây. “Ưu tiên chính của hãng này trong năm 2022 sẽ là khai thác tối đa năng lực sản xuất tại các cơ sở của mình”.
Ông cho rằng, dù tăng trưởng chóng mặt và sự thống trị trên thị trường xe điện, Tesla hiện vẫn chỉ là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 10 về sản lượng tại Bắc Mỹ. Nhưng nhà máy mới ở Austin sẽ thay đổi điều này và giúp Tesla duy trì vị thế dẫn đầu thị trường xe điện, miễn là tình trạng mất cân bằng cung-cầu vẫn tiếp diễn.
Ông Musk có mục tiêu dài hạn là tăng doanh số của Tesla khoảng 50% mỗi năm. Để duy trì mức tăng trưởng này, Tesla sẽ cần mở thêm nhiều nhà máy nữa hoặc tối đa hóa sản lượng tại các nhà máy hiện có. Tại cuộc họp cổ đông vào tháng 10 năm ngoái, ông Musk khẳng định sẽ triển khai cả hai việc này, bắt đầu bằng việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy Gigafactory tiếp theo trong năm nay.