13:41 06/11/2012

Thách thức kinh tế nào chờ tổng thống tiếp theo của Mỹ?

An Huy

Sự kết hợp giữa thắt chặt ngân sách và môi trường kinh tế thế giới yếu kém sẽ cản trở tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ

Nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm chạp trong năm 2013 - Ảnh: CSMonitor.<br>
Nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm chạp trong năm 2013 - Ảnh: CSMonitor.<br>
Cho dù ai trong hai ứng cử viên Obama hay Romney trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, thì người đó cũng sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế đầy thách thức.

Theo trang CNBC, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm tốc, cảnh báo của các công ty về khó khăn trong thời gian tới, và rủi ro chính trị liên quan tới vấn đề ngân sách chính phủ là những nguyên nhân khiến các chuyên gia tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ còn tăng trưởng chậm chạp ít nhất trong nửa đầu năm sau.

Bởi thế, cho dù đương kim Tổng thống Barack Obama tái đắc cử, hay đối thủ đến từ đảng Cộng hòa Mitt Romney giành chiến thắng, thì sau khoảnh khắc mừng vui, họ sẽ phải đối mặt với những thử thách lớn hơn nhiều so với những gì mà họ đã trải qua trong chiến dịch vận động tranh cử.

“Sự kết hợp giữa thắt chặt ngân sách và môi trường kinh tế thế giới yếu kém sẽ cản trở tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ trong năm 2013. Bởi vậy, tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ giảm xuống với một tốc độ chậm chạp”, ông Andre Kenningham thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định trong một phân tích.

Vấn đề việc làm và thị trường nhà đất vốn được xem là hai lĩnh vực được theo dõi kỹ nhất khi đánh giá sự phục hồi kinh tế Mỹ. Gần đây, hai thị trường này đều cho thấy sự khởi sắc, nhưng chưa đủ để khiến các chuyên gia tin rằng tình hình đang dịch chuyển bền vững về hướng tốt đẹp.

Những rủi ro chính trị ở Washington, chủ yếu quanh vấn đề “vực thẳm ngân sách” bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tự động có hiệu lực vào năm 2013 trừ phi Quốc hội thỏa thuận được mục tiêu cắt giảm thâm hụt chi tiêu công, cũng là một “cơn gió chướng” nữa đối với sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những thách thức trên đã đem đến cho Phố Wall một mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 u ám. Chỉ có khoảng trên 1/3 số công ty trong chỉ số S&P 500 có mức doanh thu đạt kỳ vọng. Ngoài ra, các công ty cũng đưa ra hàng loạt cảnh báo bi quan về những gì có thể xảy đến trong thời gian tới đối với doanh thu và lợi nhuận của họ.

“Các dự báo lợi nhuận cho thời gian tới nhìn chung đều giảm. Có khoảng 3/4 số công ty cắt giảm dự báo lợi nhuận cho quý 4”, ông Adam Parker, chiến lược gia trưởng thị trường của Morgan Stanley cho biết.

Theo bạn, ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay?
  • Đương kim Tổng thống Barack Obama

  • Ứng viên Mitt Romney


Kinh tế Mỹ quý 3 vừa qua tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo của giới quan sát. Cho dù đây vẫn chưa phải là một con số khả quan, nhưng trong quý 4, chưa chắc kinh tế Mỹ đã giữ được tốc độ tăng trưởng như vậy. Công ty chứng khoán Nomura Securities nhận định, mức tăng trưởng GDP quý 4 của Mỹ chỉ vào khoảng 1,3%.

“Các hộ gia đình có vẻ như đã có cái nhìn lạc quan hơn. Nhưng điều này có thể thay đổi nhanh chóng, khi mà trọng tâm sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại được đặt vào vấn đề ngân sách công trong ngắn hạn và các thách thức về chính sách khác. Sau cuộc bầu cử, chúng tôi cho rằng các hoạt động kinh tế sẽ giảm tốc, và cả các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều sẽ trở nên thận trọng trước cuộc tranh luận về chính sách tài khóa đầy căng thẳng trong Quốc hội”, chuyên gia kinh tế Ellen Zentner của Nomura nói.

Chỉ có một vài chuyên gia nhắc đến từ “suy thoái” trong các dự báo kinh tế Mỹ, nhưng xu hướng nói chung đều nghiêng về dự báo tăng trưởng chậm hoặc không có tăng trưởng. Ông Tome Tzitzouris, chiến lược gia trái phiếu của công ty Strategas, nhận định rằng, kinh tế Mỹ “có khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2013” do “cú sốc vực thẳm ngân sách”.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng chậm chạp như vậy cũng có thể sẽ mở đường cho sự phục hồi bùng nổ điển hình hậu suy thoái. Strategas dự báo, đến quý 4/2013, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4%, sau khi suy giảm 0,5%, rồi tăng 0% và 1% tương ứng trong các quý 1, 2 và 3.

Các chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank cho rằng, những rủi ro chính sách “có thể đã làm mất 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Mỹ trong những năm gần đây… Theo đó, nếu những thách thức về tài khóa sắp tới của Mỹ được giải quyết, thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ được tăng thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm”.