08:52 06/01/2024

Thái Bình gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút đầu tư FDI

Trương Quốc Cường

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023 kinh tế Thái Bình vẫn cơ bản ổn định và tăng trưởng khá với mức tăng 7,37%. xếp thứ 20 cả nước...

Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Đây là một kết quả ấn tượng giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đầy khó khăn và thách thức tiêu cực. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước còn có mức tăng trưởng thấp hơn, thậm chí tăng trưởng âm.

Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn Thái Bình đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022, tổng giá trị sản xuất ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022.

Lĩnh vực nông nghiệp của Thái Bình tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 29.782 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022. 

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá với giá trị sản xuất ước đạt 30.196 tỷ đồng, tăng 11,60% so với năm 2022. Thu nội địa toàn tỉnh ước đạt 10.189 tỷ đồng và đây cũng là năm thứ ba liên tiếp thu nội địa của Thái Bình đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình trong năm 2023 cũng thuộc nhóm đầu cả nước, ước thực hiện đạt gần 6.300 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 72,9% kế hoạch vốn địa phương phân bổ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình, tổng nguồn vốn huy động năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 119.195 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 94.821 tỷ đồng, tăng 10,0% so với thời điểm 31/12/2022.

Số liệu từ Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, năm 2023 địa phương đã cấp 1.146 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 13.851 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Thái Bình có số doanh nghiệp được thành lập mới đạt con số hơn 1.000 doanh nghiệp.

Công tác lập, quản lý quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị cũng được các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét, tạo mỹ quan đô thị khang trang, hiện đại. Trong năm 2023 tỉnh đã giải quyết được nhiều điểm nghẽ, nút thắt, hoàn thành một số công trình quan trọng, góp phần mở rộng đô thị, tạo điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc văn minh và nâng cao đời sống nhân dân như Công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu, tháo gỡ nút thắt đường Ngô Quyền cùng một số tuyến đường nội thành với hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh.

Địa phương này cũng đã triển khai 25 dự án phát triển nhà ở với tổng mức đầu tư trên 20.600 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển, đường ĐT.454 từ thành phố đi cầu Sa Cao và thị trấn Hưng Hà...

Đặc biệt, năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Thái Bình có sự đóng góp rất ấn tượng từ hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngay từ năm 2022 tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại với các quốc gia có trình độ phát triển cao trên thế giới như Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Italy, Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mới đây nhất, tại sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản diễn ra ngày 16/12/2023, trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam, tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD.

Tổng kết hết năm 2023 đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Thái Bình, cao nhất từ trước đến nay, xếp trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Chính thức đưa Thái Bình gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong đó phải kể đến các dự án lớn như: Dự án Công ty TNHH Compal Electronic (Việt Nam) xây dựng nhà máy sản xuất, gia công máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính của Công ty Billion Sea Holdings Limited với tổng mức đầu tư 260 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện của Công ty ET Solar Power HongKong Limited với tổng vốn 150 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống của Tập đoàn HiteJinro với tổng mức đầu tư 100 triệu USD; dự án nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Thái Bình...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, PCI nằm trong Top 15 - 20.