Thái Nguyên đặt mục tiêu quy mô kinh tế đạt 13,5 tỷ USD vào năm 2030
Theo mục tiêu của Thái Nguyên, trong giai đoạn từ 2021 đến 2030 tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ đạt khoảng 45 tỷ USD, năm 2023 GRDP bình quân đầu người của địa phương này sẽ đạt khoảng 8.900 USD...
Tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Thái Nguyên.
Theo phê duyệt, phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, 09 đơn vị hành chính gồm: 03 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).
Quan điểm của Quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 ngày 02 tháng 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Một số mục tiêu cụ thể được xác định như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%, dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.900 USD...
Tỉnh Thái Nguyên cũng xác định 6 đột phá phát triển của tỉnh để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng vùng liên huyện; các nhóm giải pháp chủ yếu...
Quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.