11:23 09/02/2022

Thâm hụt thương mại của Mỹ cao kỷ lục mọi thời đại trong năm 2021

Ngọc Trang

Năm 2021, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 27% lên mức cao nhất lịch sử 859,1 tỷ USD...

Trong đó, thâm hụt thương mại năm 2021 của Mỹ với Trung Quốc tăng 14,5% so với năm trước lên 355,3 tỷ USD - Ảnh: Getty Images
Trong đó, thâm hụt thương mại năm 2021 của Mỹ với Trung Quốc tăng 14,5% so với năm trước lên 355,3 tỷ USD - Ảnh: Getty Images

Năm 2021, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 27% lên mức cao nhất lịch sử 859,1 tỷ USD, cho thấy sức mạnh kinh tế cũng như sự phụ thuộc lớn của quốc gia này vào hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 8/2 cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2021 đã vượt qua mức kỷ lục cũ 763,53 tỷ USD thiết lập vào năm 2006. Dữ liệu về cán cân thương mại hàng năm – không điều chỉnh theo lạm phát – của Mỹ bắt đầu được thống kê từ năm 1960.

Trong đó, thâm hụt thương mại năm 2021 của Mỹ với Trung Quốc tăng 14,5% so với năm trước lên 355,3 tỷ USD – đảo chiều so với mức giảm sau các chính sách nhằm giảm thâm hụt thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù vậy, thâm hụt với Trung Quốc của Mỹ năm ngoái vẫn thấp hơn mức kỷ lục 418,2 tỷ năm 2018, khi ông Trump lên làm Tổng thống.

Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong năm 2020 và 2021 giảm khoảng 5% so với tổng năm 2018 và 2019, hai năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, nhập khẩu của nước này từ các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á tăng kể trong đại dịch. Cụ thể, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 57% trong năm 2020-2021 so với năm 2018-2019 nhờ nhu cầu đồ điện tử và nội thất tăng. Nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Malaysia cũng tăng ở mức 2 con số trong giai đoạn này.

Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/WSJ
Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ/WSJ

Trong khi đó, theo phân tích của Chad Bown, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc mới chỉ mua 57% giá trị hàng hóa và dịch vụ được cam kết trong năm 2020 và 2021 theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết vào tháng 1/2020 với chính quyền Tổng thống Trump.

Mức thâm hụt lớn với Trung Quốc làm gia tăng áp lực với chính quyền của Tổng thống Joe Biden buộc phải có phản ứng trước việc Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết của thỏa thuận. Theo WSJ, các quan chức Washington cho biết sẽ quy trách nhiệm cho Trung Quốc nhưng không tiết lộ các bước cụ thể.

“Covid cho thấy chúng ta phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài một cách tuyệt vọng thế nào… và chúng ta đang phụ thuộc vào cùng các mặt hàng và cùng các nhà cung cấp từ Trung Quốc và nhiều nước khác”, Jeff Ferry, nhà kinh tế trưởng tại Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng - đại diện cho các nhóm sản xuất, nông nghiệp và công đoàn ủng hộ việc cắt giảm thương mại với Trung Quốc, nói.

Sarah Bianchi, phó đại diện thương mại Mỹ, cho biết Washington đang “tích cực làm việc với Trung Quốc” để giải quyết các vấn đề thương mại song phương.

“Rõ ràng Trung Quốc đã không thực hiện đúng cam kết của thỏa thuận giai đoạn 1”, bà Bianchi nói tại một cuộc thảo luận về thỏa thuận này tuần trước.

Trong khi đó, ngày 7/2, khi được hỏi về việc Bắc Kinh không tuân thủ đầy đủ cam kết mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ theo thỏa thuận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói rằng các vấn đề thương mại song phương nên được giải quyết “trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng”.

“Phía Mỹ nên làm việc với Trung Quốc để thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định của quan hệ hai bên”, ông Lijian nói.

Thâm hụt thương mại tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái do đại dịch Covid-19 năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,6% trong năm 2021, cao hơn hầu hết các nước phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo là khoảng 5%.

Trong năm 2021, người tiêu dùng Mỹ đã chi mạnh tay cho các mặt hàng nhập khẩu như máy tính, máy trò chơi và đồ nội thất với tiền hỗ trợ từ chính phủ, trong khi ít chi tiêu cho du lịch ăn uống do lo ngại dịch bệnh. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp Mỹ, cũng như giá năng lượng và thực phẩm tăng cũng góp phần làm tăng kim ngạch nhập khẩu của nước này.

“Hoạt động kinh tế gia tăng, giá cả tăng và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng, tất cả góp phần làm tăng nhập khẩu và tăng thâm hụt thương mại”, Jake Colvin, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia - một nhóm đại diện cho nhiều doanh nghiệp Mỹ, phân tích.

Theo ông Colvin, Washington phải tạo ra con đường dẫn tới mối quan hệ thương mại mới với Trung Quốc ngoài thỏa thuận của chính quyền Trump, bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thân thiện và giảm gánh nặng thuế quan cho doanh nghiệp Mỹ bằng cách xây dựng một quy trình loại trừ thuế quan tổng thể.

Thâm hụt thương mại lớn liệu có phải một vấn đề đáng lo ngại hay không vẫn là vấn đề được các nhà kinh tế tranh luận. Theo các nhà phân tích, sự gia tăng thâm hụt thương mại gần đây phù hợp với sức mạnh nội tại của nền kinh tế Mỹ, bao gồm đầu tư kinh doanh mạnh, chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, việc này cũng cho thấy Mỹ đang mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn là bán ra - điều mà những người phản đối cho là có thể gây ra các vấn đề về an ninh quốc gia.