17:26 08/02/2022

Thương mại Mỹ - Trung đối mặt nhiều mối đe dọa trong 2022, cần một thỏa thuận mới

Trang Linh

Hiệp định Kinh tế và Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc Giai đoạn 1 được ký kết vào đầu năm 2020 - câu trả lời đầu tiên cho tranh chấp thương mại giữa hai bên - đã hết hạn vào ngày 31/12/2021...

Một tuyên bố từ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (ảnh) ngày 4/2 cho biết Mỹ đang trao đổi với Trung Quốc về việc thực hiện các cam kết đối với thỏa thuận thương mại đã hết hạn - Ảnh: Reuters
Một tuyên bố từ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (ảnh) ngày 4/2 cho biết Mỹ đang trao đổi với Trung Quốc về việc thực hiện các cam kết đối với thỏa thuận thương mại đã hết hạn - Ảnh: Reuters

Trong giai đoạn từ năm 2015-2018, nhà sản xuất rượu vang Mỹ Page Mill Winery xuất khẩu khoảng 12.000 chai rượu vang đỏ Petite Sirah sang Trung Quốc mỗi năm. Thời đó, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ phải trả khoảng 30-40 USD một chai.

Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu với rượu vang Mỹ, khiến giá loại rượu vang này tăng thêm 10 USD/chai, ông Dane Stark, chủ sở hữu Page Mill Winery, cho biết. Chính vì thuế cao, ông Stark quyết định ngừng xuất khẩu rượu sang Trung Quốc, theo đó mất đi khoảng 1/6 doanh số hàng năm.

“Mỗi thùng rượu xuất sang Trung Quốc có giá tăng gấp đôi. Ngoài chi phí sản xuất, thuế quan đã thay đổi hoàn toàn công thức tài chính của chúng tôi”, ông Stark cho biết.

Page Mill Winery là một trong nhiều công ty Mỹ đang lo lắng về những hệ quả của tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các nhà phân tích, tình hình có thể sẽ chưa thể cải thiện trong năm nay do hai bên còn nhiều mâu thuẫn và đều có những ưu tiên khác.

Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 164,9 tỷ USD trong năm 2020. Ở chiều ngược lại, giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đạt 450,4 tỷ USD, theo dữ liệu thương mại của Mỹ.

Các công ty Mỹ đánh giá cao Trung Quốc với thị trường khổng lồ và là “đại bản doanh” sản xuất cho các mặt hàng bán chạy hàng đầu thế giới, từ iPhone cho tới ô tô General Motors.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nóng lên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump khi ông tăng thuế lên 550 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, trong đó có 350 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc để phản ứng lại tình trạng thâm hụt thương mại. Theo giới phân tích, tranh chấp thương mại càng làm căng thẳng thêm các mối quan hệ khác giữa cường quốc và kéo dài sang nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden vì chưa tìm được giải pháp.

Hiệp định Kinh tế và Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc Giai đoạn 1 được ký kết vào đầu năm 2020 - câu trả lời đầu tiên cho tranh chấp thương mại giữa hai bên - đã hết hạn vào ngày 31/12/2021. Tình hình càng thêm căng thẳng khi Trung Quốc chỉ đáp ứng chưa tới 2/3 lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ theo cam kết trong thỏa thuận, theo nhà phân tích cấp cao Chad Bown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington (Mỹ).

“Tôi chắc rằng cả hai bên đều đang xem xét nhiều khía cạnh khác nhau mà họ có thể sử dụng để gây áp lực lên đối phương”, ông Doug Barry, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc - một nhóm vận động chính sách gồm 265 thành viên tại Washington. “Mỗi bên đều có thể tăng thuế nhập khẩu. Các công ty hàng đầu của Mỹ có thể đối mặt áp lực phải giảm bớt hoạt động tại Trung Quốc”.

Ông Barry dự báo quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ chao đảo một thời gian khi Trung Quốc tập trung vào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 và kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới. Ngoài ra, cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay có thể đưa nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa hơn vào Quốc hội Mỹ - những người thường có quan điểm thiếu thiện cảm với Trung Quốc hơn so với các nghị sĩ đảng Dân chủ. Hiện tại, đảng Dân chủ chỉ chiếm đa số với tỷ lệ mong manh tại Hạ viện.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể sẽ không có hành động cụ thể nào để xoa dịu Mỹ. Một số người tin rằng Bắc Kinh có thể đợi cho đến khi ông Biden tỏ rõ lập trường của mình trong tranh chấp thương mại.

Một số người tin rằng Bắc Kinh có thể đợi cho đến khi ông Biden tỏ rõ lập trường của mình trong tranh chấp thương mại - Ảnh: AP
Một số người tin rằng Bắc Kinh có thể đợi cho đến khi ông Biden tỏ rõ lập trường của mình trong tranh chấp thương mại - Ảnh: AP

“Nếu muốn giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính quyền Biden phải làm rõ những kỳ vọng của họ với phía Trung Quốc”, Jayant Menon, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực của Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore. “Thỏa thuận giai đoạn một đã không được tuân thủ đầy đủ nhưng nó là kết quả đàm phán của chính quyền tiền nhiệm. Cần có một thỏa thuận mới, nhưng Mỹ phải muốn vậy và dẫn dắt để đạt được”.

Hôm 4/2, trong một tuyên bố, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Washington đang trao đổi với Bắc Kinh về việc hoàn thành các cam kết trong thỏa thuận thương mại vừa hết hạn. Trung Quốc đã không mua đủ lượng hàng cam kết trong năm 2020 và năm 2021.

“Chúng tôi xem việc này như là một cơ hội dành cho Trung Quốc để chứng minh rằng họ nghiêm túc hành động nhằm thúc đẩy sự ổn định và công bằng trong quan hệ song phương. Chính quyền (của Tổng thống Biden) sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ khỏi các chính sách và hành vi gây hại bằng cách áp dụng đầy đủ các công cụ mà đang có và tạo ra các công cụ mới nều cần”.

Trước đó, tại một diễn đàn trực tuyến đầu tháng năm nay, bà Tai cũng nói rằng Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) có thể chuyển hướng chú ý đến “các hoạt động phi thị trường có hại” của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại hàng không vũ trụ.

Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ hiện đang xem xét việc loại trừ áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Hôm 20/1, khoảng 140 nhà lập pháp đã đệ thư kêu gọi bà mở rộng danh sách này vì lợi ích của các công ty Mỹ.