Tham nhũng trong khu vực công qua đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế
Việt Nam làm thế nào để tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, đạt hiệu quả rõ nét hơn?
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2020 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa được công bố, trong đó đánh giá 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.
VIỆT NAM ĐỨNG THỨ 104/180
Kết quả cho thấy, năm 2020, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019, đứng thứ 104/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Điểm CPI của Việt Nam thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100) nhưng cao hơn một số quốc gia trong khu vực.
Đánh giá kết quả khảo sát, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam nhận định, về mặt thống kê, việc giảm 1 điểm của Việt Nam so với năm 2019 là không đáng kể. Xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó "0" là thể hiện mức độ cảm nhận tham nhũng cao nhất và "100" là mức độ cảm nhận tham nhũng thấp nhất.
Để tính điểm số CPI 2020 của Việt Nam, TI sử dụng 8 nguồn dữ liệu, đó là: chỉ số cải tổ 2020; xếp hạng rủi ro quốc gia 2020 của Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU); các chỉ số về điều kiện và rủi ro kinh doanh 2019; tư vấn rủi ro kinh tế và chính trị 2020 (PERC); chỉ số đánh giá rủi ro quốc gia 2020 của Tổ chức Đánh giá Rủi ro Chính trị (PRS); khảo sát ý kiến các nhà điều hành doanh nghiệp 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); chỉ số Nhà nước pháp quyền 2020 của World Justice Project (WJP); và bộ chỉ số về dân chủ của Varieties of Democracy Project 2020 (VDEM).
Các nguồn dữ liệu của CPI đo lường các khía cạnh của tham nhũng và sử dụng những câu hỏi cụ thể để thu thập dữ liệu: hối lộ, chuyển đổi mục đích sử dụng của các quỹ công; mức độ phổ biến của việc các cán bộ nhà nước lợi dụng vị trí để tư lợi mà không lo đối mặt với các hậu quả; khả năng xảy ra tham nhũng trong Chính phủ và khả năng Chính phủ thực thi các cơ chế liêm chính hiệu quả trong khu vực công; các gánh nặng và thủ tục hành chính và quan liêu dẫn tới khả năng tăng tham nhũng; bổ nhiệm theo năng lực hay theo mức độ thân hữu (quan hệ) trong các dịch vụ dân sự; truy tố và xét xử hình sự hiệu quả đối với các cán bộ nhà nước tham nhũng; cơ chế pháp luật để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, nhà báo, các điều tra viên khi họ tố cáo các trường hợp hối lộ và tham nhũng; Nhà nước bị khống chế bởi các nhóm lợi ích nhỏ...
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hướng tới Minh bạch, các nguồn dữ liệu của CPI không đo lường các hình thức tham nhũng: cảm nhận hoặc trải nghiệm tham nhũng của người dân; gian lận thuế; các dòng tài chính phi pháp; các đối tượng góp phần vào tham nhũng (luật sư, kế toán viên, các nhà cố vấn tài chính...); rửa tiền; tham nhũng trong khu vực tư; các nền kinh tế và thị trường không chính thức.
Cũng theo TI, quốc gia, vùng lãnh thổ có số điểm thấp nhất không phải là quốc gia tham nhũng nhất thế giới. CPI là chỉ số đánh giá cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công, ví dụ như tham nhũng hành chính và chính trị. Đó không phải là sự kết án về mức độ tham nhũng của các quốc gia, xã hội hay của các chính sách của các quốc gia, xã hội đó, hay hoạt động của khu vực tư nhân. Những người dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có điểm số thấp trong bảng xếp hạng CPI thường cũng có chung mối lo ngại về tham nhũng và đều lên án tham nhũng mạnh mẽ như người dân ở các quốc gia có điểm số tốt. Hơn nữa, các quốc gia, vùng lãnh thổ có điểm số thấp nhất là những quốc gia, vùng lãnh thổ có mức độ cảm nhận tham nhũng trong khu vực công cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát.
CẦN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Trong những năm gần đây, điểm CPI của Việt Nam có xu hướng cải thiện khá tích cực. Theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch, điều này phản ánh kết quả các nỗ lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc truy tố, xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, điểm số CPI 2020 cho thấy Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo kết quả sâu, rộng, đồng thời có thể tạo ra những bước tiến đột phá hơn trong thời gian tới.
Nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, gánh nặng thủ tục hành chính dẫn tới khả năng tăng tham nhũng tại Việt Nam vẫn lớn. Chỉ tính chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng, 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm qua đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu VND chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này.
Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "chi trả 'hoa hồng' là cần thiết để có cơ hội thắng thầu" chỉ còn là 41,2%, tiếp tục giảm so với con số 48,4% của năm 2018 và mức 54,9% của năm 2017. Năm 2019 có 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà nước địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với con số 58,2% của năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong Điều tra PCI 2019 chỉ là 53,6%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nếu so với con số 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006, thì con số 53,6% của năm 2019 cho thấy đã có bước tiến lớn trong nỗ lực của chính quyền các địa phương. Dù vậy, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng dường như vẫn còn không ít thách thức.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn chia sẻ, trong năm 2020, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng khích lệ và tạo được sự đồng thuận lớn giữa Nhà nước và người dân trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 nhờ thông tin minh bạch và kịp thời. Điều này cho thấy, việc bảo đảm tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân là chìa khóa gắn kết xã hội, tăng cường niềm tin của người dân vào lãnh đạo, Nhà nước và chính quyền. Kinh nghiệm này nên được áp dụng vào phòng, chống tham nhũng để thu được thành công một cách cơ bản, bền vững.
Để thúc đẩy phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam trong thời gian tới, Tổ chức Hướng tới Minh bạch khuyến nghị, Đảng và Nhà nước cần đảm bảo thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Tiếp cận thông tin 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là các quy định và biện pháp về kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức và kiểm soát xung đột lợi ích.